Dự án đầu tư phát triển thị trường chứng khoán

Dự án đầu tư phát triển thị trường chứng khoán và phương pháp kinh doanh thị trường chứng khoán

Ngày đăng: 14-12-2018

1,672 lượt xem

THUYẾT MINH DỰ ÁN

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH THEO MÔ HÌNH KÊNH ĐẦU TƯ VÀO DỰ ÁN

Dự án đầu tư phát triển thị trường chứng khoán và mô hình kinh doanh thị trường chứng khoán

Phần 1: TRÌNH BÀY NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT LÕI CỦA DỰ ÁN

1. Thông tin về dự án đầu tư

- Tên dự án: Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) theo mô hình kênh.

- Địa bàn thí điểm: Tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

- Nội dung thực hiện:

* Phác thảo mô hình kinh doanh chứng khoán phái sinh (CKPS) theo mô hình kênh. Từ đó, đặt ra các vấn đề cần giải quyết để hình thành mô hình.

* Khảo sát và lên kế hoạch thí điểm dự án phát triển sản phẩm CKPS theo mô hình kênh tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Từ đó, làm cơ sở để ứng dụng mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

- Thời gian khảo sát và xây dựng dự án: Từ nay đến hết 31/12/2019.

- Thời điểm triển khai dự kiến: Tháng 01/2019.

- Thời gian kết thúc giai đoạn thử nghiệm dự án: Đến hết 31/12/2019.

2. Cơ sở thực hiện dự án dự án đầu tư

Cơ sở pháp lý:

* Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29/06/2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010;

* Căn cứ Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

* Căn cứ Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 của Chính phủ và Thông tư số 23/2017/TT-BTC ngày 16/03/2017 của Bộ Tài chính về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BTC.

Cơ sở thực tiễn:

CKPS là một công cụ tài chính, trong đó giá trị của CKPS phụ thuộc vào giá trị của một hay nhiều loại tài sản cơ sở. CKPS có dạng hợp đồng tài chính trong đó quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán hoặc/và chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Tài sản cơ sở của CKPS có thể là: Hàng hóa {Như: thực phẩm ( cà phê, hồ tiêu…), kim loại (vàng, bạc, kẽm…), năng lượng (khí đốt, dầu…),…} hoặc Phi hàng hóa {Như: cổ phiếu (chỉ số cổ phiếu, cổ phiếu đơn lẻ), trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu doanh nghiệp), lãi suất (lãi suất ngân hàng, lãi suất ngoại tệ), tiền tệ (USD, Yên Nhật, Euro),…}.

TTCKPS đã hình thành tại Nhật Bản và Hà Lan vào đầu thế kỷ 17. Đến nay, trên thị trường tài chính thế giới, đã có hơn 100 Sở giao dịch đưa sản phẩm CKPS vào giao dịch, thuộc 41 khu vực quốc gia. Cùng với sự ra đời của internet và sự hỗ trợ của công nghệ phần mềm thì TTCKPS đã và đang lan rộng ra khắp toàn cầu. Trong những năm gần đây, CKPS quốc tế (trong đó nổi bật nhất là Forex) đã và đang từng bước xâm nhập vào nền kinh tế nước ta với tốc độ phát triển khá nhanh.

Ngày 10/08/2017, CKPS Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với 2 sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (Với 04 kỳ hạn: 01 tháng, 02 tháng, 03 tháng và 06 tháng) và hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các HĐTL được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Phái sinh Việt Nam (HNX) và thanh toán bù trừ qua Trung tâm Bù trừ (VSD). HNX đã chấp thuận thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cho 7 công ty chứng khoán gồm CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Tp.Hồ Chí

Minh (HSC), CTCK Bản Việt, CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), VNDIRECT, MBS và VPBS.

Sau hơn một năm hoạt động, TTCKPS VN đã tăng trưởng vượt bậc. Đến nay, thường xuyên vượt 100.000 hợp đồng/phiên, thậm chí có phiên đã vượt 200.000 hợp đồng. Có thể nói, CKPS VN đã mang lại những tín hiệu tích cực và hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.

3. Nội dung và tầm nhìn của dự án

Dự án được xây dựng trên cơ sở ý tưởng: “Hình thành mô hình kênh đại lý chứng khoán phái sinh” (Sau đây viết tắt là ĐLPS). Với việc hình thành được kênh ĐLPS khắp nơi thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề cho VNDirect như:

Thứ nhất; Tiếp cận được đông đảo người tham gia TTCKPS cả trực tiếp (khách hàng giao dịch) và gián tiếp (ĐLPS). Điểm mấu chốt của ý tưởng này là tạo ra đòn bẩy tài chính cao gấp nhiều lần so với cách làm hiện tại, do đó sẽ thu hút được nhiều đối tượng tham gia hơn.

Thứ hai; Huy động được nguồn vốn tham gia TTCKPS thông qua kênh ĐLPS, đồng thời đối tượng khách hàng giao dịch sẽ được mở rộng khắp các địa bàn chứ không chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn như hiện nay.

Thứ ba; Các ĐLPS tham gia thị trường chỉ với tư cách là nhà đầu tư vốn và là một mắt xích trong mạng lưới của VNDirect. Cho nên các phương thức tương tác cũng thay đổi, thuyết phục khách hang thiên về xu hướng hợp tác “win – win” hơn là về xu hướng đầu tư mạo hiểm.

Thứ tư; Với việc “đi trước, đón đầu” thông qua các giải pháp thị trường, trong đó đặc biệt là giải pháp công nghệ, VNDirect sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần CKPS của tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Trong khi các đơn vị kinh doanh chứng khoán khác chỉ hầu như tập trung khai thác thị phần ở một vài thành phố lớn như: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng.

Thứ năm; Mạng lưới ĐLPS mở rộng đến đâu thì thương hiệu của VNDirect sẽ lan tỏa tới đó. Đây sẽ là cơ sở để VNDirect có thể triển khai được nhiều sản phẩm khác trong tương lai với tốc độ phủ thị trường nhanh nhất.

Thứ sáu; Giải pháp tiếp cận khách hàng của dự án này là thông qua các chương trình tư vấn và đào tạo, với thiên hướng chủ đạo là marketing và sale. Do đó, cách tiếp cận này sẽ giúp cho hình ảnh và thương hiệu của VNDirect lan toả qua truyền miệng và ngày càng quen thuộc với người dân Việt Nam.

4. Các mô hình vận hành dự án đầu tư

4.1. Mô hình nhân sự

Note:

- Trưởng bộ phận KDPS có nhiệm vụ tổ chức điều hành chung công việc của Bộ phận. Trong đó, nhiệm vụ chính là tổ chức đào tạo và trang bị các kỹ năng cần thiết cho nhân viên các bộ phận như: Đào tạo về kiến thức và kỹ năng  marketing/sale cho Bộ phận Kinh doanh; Đào tạo kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng giảng dạy cho Bộ phận Hỗ trợ KD,…v.v

- Bộ phận Kinh doanh có nhiệm vụ chính là tiếp cận và khai thác đối tượng khách hàng là ĐLPS trên cơ sở sử dụng các công cụ marketing của VNDirect kết hợp với các kỹ năng marketing/sale đã được đào tạo.

- Bộ phận hỗ trợ KD có nhiệm vụ chính là hỗ trợ cho Bộ phận kinh doanh, thông qua việc hướng dẫn khách hàng sử dụng và khai thác phần mềm chơi CKPS của VNDirect; Xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức về phái sinh Việt Nam cho khách hàng; Tổng hợp và cung cấp thông tin kinh tế mỗi ngày;…v.v

4.2. Mô hình kênh

Note: Theo mô hình này, VNDirect chỉ tập trung xây dựng mạng lưới ĐLPS chính. ĐLPS chính có thể tự tạo mạng lưới cho mình thông qua việc xây dựng các ĐLPS ấp dưới. Cuối cùng, khách hàng thông qua các ĐLPS chính hoặc các ĐLPS cấp dưới để giao dịch CKPS.

4.3. Mô hình vận hành sản phẩm

Note: Để có thể giao dịch, khách hàng mở 1 tài khoản thông với tài khoản của ĐLPS và không cần ký kết trực tiếp với VNDirect. Khách hàng vẫn cần cung cấp thông tin như: Họ tên? số điện thoại? Email? Số tài khoản ngân hàng? (Để VNDirect phối hợp cùng ĐLPS quản lý và phục vụ). Giao diện và phần mềm này do VNDirect thiết kế và sở hữu.

(1): Khách hàng nạp tiền vào TKCK của ĐLPS. ĐLPS nhập mã (Giống như OTP) mở cổng cho phép khách hàng đặt lệnh giao dịch.

(2): Khách hàng đặt lệnh giao dịch thông qua tài khoản của ĐLPS nhưng trên giao diện của mình. Thao tác đặt lệnh của khách hàng bao gồm: Giá mở hợp đồng (Hoặc lệnh tự động khớp giá gần nhất)/Biên độ cắt lỗ và chốt lời/Số lượng hợp đồng.

Để hỗ trợ khách hàng giao dịch nhanh nhất thì phần mềm đặt lệnh cần có thêm chức năng hiển thị số lượng hợp đồng tối đa khách hàng có thể giao dịch trên cơ sở giá cắt lỗ.

(3) Ngay khi khớp lệnh, VNDirect thực hiện thu phí 2 chiều (đóng – mở) trên tài khoản của ĐLPS. Đồng thời, gửi thông báo qua tin nhắn điện thoại hoặc email của ĐLPS để ĐLPS quản lý.

(4) VNDirect gửi kết quả đầu tư cho khách hàng ngay khi lệnh mở/đóng hợp đồng được thực hiện. Kết phiên, VNDirect gửi bảng tổng hợp các kết quả giao dịch trong ngày cho khách hàng.

(5) Kết phiên, VNDirect gửi bảng tổng hợp các kết quả giao dịch trong ngày cho ĐLPS, tổng hợp theo số lượng hợp đồng đã giao dịch thành công để ĐLPS nắm được kết quả kinh doanh của mình trong ngày.

(6) VNDirect thực hiện chuyển phí Hoa hồng cho ĐLPS (Mỗi ngày hoặc cuối kỳ); đồng thời chuyển tiền lãi cho khách hàng giao dịch (nếu có) sau mỗi ngày.

Những điểm cần phân biệt mô hình hiện tại và mô hình mới

 

 

STT

 

NỘI DUNG SO SÁNH

 

MÔ HÌNH HIỆN TẠI

 

MÔ HÌNH MỚI

1

Phương thức đầu tư và giao dịch

- Người giao dịch cũng là người trực tiếp đầu tư vốn hoặc giao dịch được ủy thác cho NVMG.

- Người giao dịch phải ký hợp đồng mở tài khoản trực tiếp với VNDirect

- Người giao dịch không phải là người đầu tư vốn. Người đầu tư vốn là các ĐLPS.

- Người giao dịch không phải ký hợp đồng mở tài khoản trực tiếp với VNDirect.

2

Nguồn gốc khách hàng

- Thường là những khách hàng đã từng tham gia TTCK VN. Có kiến thức về CKPS.

- Là những khách hàng đang ở dạng tiềm năng. Hạn chế về kiến thức CKPS VN.

3

Đối tượng tiếp cận

- Một: Nhà đầu tư.

- Hai: ĐLPS và người giao dịch.

 

4

Địa bàn khai thác

- Tập trung tại một vài thành phố lớn như: TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng.

- Có thể khai thác tại tất cả các địa bàn khu dân cư trên cả nước.

5

Đội ngũ và quy trình thực hiện

- Nhân viên môi giới thực hiện tất cả các công đoạn từ marketing, sale, đến tư vấn, chăm sóc khách hàng

- Chia làm 2 công đoạn rõ ràng: Nhân viên KD thực hiện công tác marketing và sale; Nhân viên Đào tạo/Tư vấn thực hiện các công tác hỗ trợ khách hàng.

6

Phương thức thực hiện giao dịch

- Giao dịch trực tiếp trên tài khoản của khách hàng.

- Phải thao tác đặt lệnh 2 lần: 1 lệnh mở và 1 lệnh đóng HĐTL.

- Giao dịch gián tiếp thông qua tài khoản của ĐLPS.

- Chỉ thao tác 1 lần khi mở HĐTL, còn lệnh đóng tự động.

7

Về thời gian giao dịch

- Giao dịch theo khung thời gian quy định của UBCK. Cụ  thể: Phiên sáng từ 8h45-11h30 và phiên   chiều   từ   13h00   - 14h45.

- Tất cả các giao dịch CKPS được phép để qua đêm và chỉ tự động đóng khi đến kỳ hạn quy định (01 tháng/02 tháng/03 tháng/06 tháng).

- Giao dịch theo khung thời gian quy định của VNDirect. Cụ thể: Phiên sáng từ 8h45-11h30 và phiên chiều từ 13h00 - 14h30.

- Tất cả các các giao dịch CKPS đều phải tự động đóng trước phiên ATC, tức là trước 14h30 mỗi ngày. Không để qua đêm.

8

Lợi ích kinh tế

- Giá phí thấp và đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ.

- Giá cao nên lượng giao dịch thấp.

- Có thể thu phí cao hơn vì khách hàng giao dịch được sử dụng đòn bẩy cao hơn.

- Giá thấp nên lượng giao dịch sẽ tăng.

9

Mô hình quản lý và phát triển

- Đang theo mô hình tự phát. Mạnh ai người ấy làm. Mỗi người một cách, thiếu nhất quán.

- Theo mô hình kênh, có mạng lưới và được tổ chức bài bản, thống nhất từ đầu.


Ngoài ra, cách khai thác TTCKPS hiện tại của đội ngũ môi giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cập như: phải theo dõi liên tục suốt phiên giao dịch để tư vấn cho khách hàng; Tư vấn PS rất khó chính xác do có tính biến động liên tục, khó lường dẫn đến nhiều sai số trong tư vấn, từ đó dễ làm mất uy tín của nhân viên môi giới; Cùng một thời điểm rất khó tư vấn cho nhiều người,…v.v.

Với cách làm mới, VNDirect sẽ thoát ly gần như hoàn toàn công việc tư vấn trực tiếp hoặc chơi theo uỷ thác cho khách hàng như cách làm hiện tại. Việc tư vấn và đưa ra các nhận định được chuyển giao sang cho các ĐLPS hoặc người chơi chủ động. VNDirect chỉ tham gia với vai trò hướng dẫn, hỗ trợ và cung cấp các thông tin liên quan tới TTCKPS trước, trong và sau phiên giao dịch.

6. Các vấn đề phát sinh và giải pháp

Câu hỏi 1: Chủ tài khoản ĐLPS muốn tham gia giao dịch trên thị trường thì làm như thế nào?

Trả lời: Chủ tài khoản ĐLPS không được trực tiếp giao dịch trên tài khoản ĐLPS mà tham gia theo cách thức giống như 01 khách hàng giao dịch. Đó là đăng ký một tài khoản cá nhân thông với tài khoản ĐLPS.

Câu hỏi 2: Tiền lời của khách hàng giao dịch do VSD bù trừ và thanh toán về tài khoản của ĐLPS ngày hôm sau sẽ được xử lý như thế nào để phòng tránh việc ĐLPS ôm tiền bỏ trốn?

Trả lời:

+ Thứ nhất; Trong hợp đồng hợp tác hai bên cần có cam kết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho số vốn đầu tư của ĐLPS thì số tiền chuyển và rút ra khỏi tài khoản ĐLPS luôn đảm bảo điều kiện số dư tối thiểu chính bằng số tiền mà chủ tài khoản ĐLPS đã đầu tư. Số tiền trên chỉ được rút ra khỏi tài khoản ĐLPS khi hai bên chấm dứt hợp tác hoàn toàn. Có số tiền này làm cọc thì gần như hạn chế đc rủi ro trên.

+ Thứ hai; Mỗi lệnh chuyển khoản/rút tiền đều phải được phê duyệt đồng ý của hai bên thông qua password của mình. Điều này có nghĩa là tài khoản ĐLPS do VNDirect và chủ ĐLPS cùng quản lý, mỗi bên cầm 01 chìa khoá tương ứng 01 password.

Như vậy, để chuyển tiền thanh toán cho khách hàng giao dịch mỗi ngày thì VNDirect lập lệnh và ĐLPS phê duyệt là xong. Hoặc ngược lại.

Trường hợp ĐLPS gây khó khăn thì VNDirect vẫn có thể nắm thế chủ động do chủ động về công nghệ. Bộ phận thiết kế phần mềm có thể xử lý vấn đề này.

Câu hỏi 3: Khi có nhiều khách hàng cùng giao dịch trên một tài khoản của ĐLPS thì liệu có đảm bảo giao dịch chính xác không? Cùng một thời điểm liệu có mở được cả hai lệnh mua (LONG) và bán (SHORT)? Liệu có tự động mua và bán chính lệnh của mình (Tức là lệnh đóng và lệnh mở cùng 1 giá)? Như vậy liệu có vi phạm luật không?...v.v

Trả lời: Để giải quyết được vấn đề này, cách tốt nhất là thiết kế chia tài khoản của ĐLPS thành 2 nhánh riêng biệt. Một nhánh chuyên LONG (Chọn xu thế tăng) và một nhánh chuyên SHORT (Chọn xu thế giảm). Cả 2 nhánh tài khoản này cùng thông với tài khoản chính hoặc độc lập càng tốt. Nếu độc lập thì có nghĩa là mỗi ĐLPS sở hữu 2 tài khoản CKPS.

Câu hỏi 4: Tại sao không triển khai dự án tại các trung tâm thành phố lớn ngay từ đầu?

Trả lời:

+ Thứ nhất; Thị trường tỉnh lẻ đang bị bỏ trống, cần tranh thủ chiếm lĩnh trước các đối thủ.

+ Thứ hai; sản phẩm CKPS với đòn bẩy tài chính cao như ý tưởng này có khả năng thâm nhập vào bất kỳ khu vực thị trường nào ở Việt Nam.

+ Thứ ba; Thị trường các thành phố trung tâm lớn (như: TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng) thường rất nhạy bén về cơ hội mới nên thời gian đầu sẽ tự động kích hoạt mà ít phải đầu tư cho công tác thị trường (tức là khách hàng có nhu cầu sẽ tự tìm đến VNDirect).

+ Thứ tư; Khi có chương trình ĐLPS thì chắc chắn sẽ xuất hiện một xu thế mới, đó là tất cả các tài khoản CKPS hiện nay sẽ chuyển sang dạng tài khoản ĐLPS.

Vì sao? Vì nhà đầu tư lúc này vừa là chủ tài khoản ĐLPS để kinh doanh kiếm lời mà vẫn đồng thời tham gia giao dịch được như bình thường (theo giải pháp 1). Từ đó đã hình thành ngay một lượng lớn các ĐLPS ngay tại các TP lớn mà không cần mất nhiều công sức làm thị trường.

Không những vậy, tại VNDirect sẽ tập hợp được lượng vốn đầu tư cho TTCKPS có tính ổn định cao do nguồn tiền bị giới hạn rút ra theo thoả thuận hợp tác. Đồng thời, VNDirect còn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư CKPS từ các sàn giao dịch khác nói riêng và các nhà đầu tư tài chính nói chung.

Phần 2: TRÌNH BÀY PHƯƠNG ÁN THÍ ĐIỂM DỰ ÁN

A. Các bước triển khai dự án

* Bước 1: Khảo sát thị trường

Tỉnh Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam, có diện tích tự nhiên 2.694,64 km2 và dân số hiện tại trên 2,11 triệu người (Đây là tỉnh có dân số đông thứ 7  cả  nước).  Bình  Dương  có  cơ  cấu dân  số  trẻ, dân  số  trong  đô ̣ tuổi  lao  đông chiếm 75,6%. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 120 triệu đồng và  năm 2018 ước đạt 130 triệu đồng/người/năm.

Về địa chính, Tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện, được phân chia thành 91 đơn vị hành chính cấp xã: gồm 41 phường, 4 thị trấn và 46 xã.

Tỉnh Đồng Nai cũng là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam, có địa giới giáp danh với tỉnh Bình Dương về phía Bắc, có diện tích tự nhiên 5.875,2 km2 và dân số hiện tại trên 3,12 triệu người. Đây là tỉnh có dân số đông thứ nhì ở miền Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh) và đông thứ 5 cả nước, có diện tích lớn thứ ba ở miền Nam  (sau Tỉnh  Bình  Phước Tỉnh  Kiên  Giang).  Đồng  Nai  có  thành  phố Biên

Hòa là thành phố có dân số đông nhất cả nước. Dân số trong đô ̣ tuổi lao đông chiếm

61%. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 91 triệu đồng và năm 2018 ước đạt 94÷96 triệu đồng/người/năm.

Về địa chính, Tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện, được phân chia thành 171 đơn vị hành chính cấp xã: gồm 29 phường, 6 thị trấn và 136 xã.

$ Note: Tổng hai địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có 5,23 triệu dân/20 đơn vị hành chính cấp huyện và được phân chia thành 262 đơn vị hành chính cấp xã. Việc phát triển mạng lưới 120 ĐLPS/năm 2018 trên 2 địa bàn này là có cơ sở thực hiện được. Như vậy, bình quân có hơn 2 đơn vị hành chính cấp xã xây dựng 1 ĐLPS.

* Bước 2: Tuyển dụng nhân sự và đào tạo kỹ năng

$. Kế hoạch tuyển dụng:

+ Số lượng: Tuỳ theo nhu cầu nhân sự từng giai đoạn và tốc độ phát triển của dự án.

+ Tiêu chí tuyển dụng: Căn cứ theo yêu cầu và nhiệm vụ của từng vị trí để xây dựng tiêu chí tuyển dụng.

+ Thời gian tuyển dụng: Kết thúc trước khi chạy chương trình 15 ngày để kịp đào tạo.

$. Nội dung đào tạo: Gồm 4 nội dung hướng tới 4 đối tượng như sau

+ Đào tạo NVKD: Đào tạo về sản phẩm CKPS VN và các chương trình marketing; Đồng thời trang bị các kỹ năng marketing, sale;….

+ Đào tạo NV hỗ trợ KD: Đào tạo về sản phẩm CKPS VN; cách sử dụng và khai thác phần mềm ứng dụng của VNDirect cho sản phẩm CKPS; Các quy định và quy ước cộng tác; Các kỹ năng giảng dạy;….

+ Đào tạo KHĐL: Định hướng phát triển cho KHĐL.

+ Đào tạo KH giao dịch: Hướng dẫn các cách sử dụng phần mềm của VNDirect để giao dịch CKPS hiệu quả; Cung cấp các kiến thức cơ bản về CKPS VN;….

* Bước 3: Xây dựng các chương trình marketing và chuẩn bị các công cụ marketing để xâm nhập thị trường

Phối hợp với các bộ phận liên quan để thống nhất nội dung cũng như phê duyệt các thiết kế liên quan đến chương trình marketing như: Các chính sách và các chương trình khuyến mãi/ưu đãi dành cho ĐLPS? Nội dung hợp đồng hợp tác? Thống nhất mức phí thu của khách hàng giao dịch? Thiết kế quảng cáo, tờ rơi, bảng biển,…v.v?

* Bước 4: Triển khai dự án. Hỗ trợ, chăm sóc và phát triển mạng lưới.

Bước tiếp theo là triển khai dự án, song song với đó là các chương trình hỗ trợ, chăm sóc và phát triển mạng lưới theo các nội dung thống nhất trong quá trình đào tạo.

* Bước 5: Tổng hợp thông tin phản hồi từ thị trường. Từ đó phân tích và đánh giá lại chương trình marketing để điều chỉnh cho phù hợp

B. Phương án nhân sự - Kế hoạch tài chính – Hiệu quả kinh tế của dự án

1. Phương án nhân sự:

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của mạng lưới để xây dựng phương án nhân sự dành cho dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo được hiệu quả thì phương án nhân sự phải theo một số nguyên tắc nhất định như sau:

- Duy trì 01 người ở vị trí Trưởng Bộ phận KDPS hoặc Lãnh đạo phòng/ban.

- Số lượng nhân viên KD luôn đảm bảo nguyên tắc: Mỗi NVKD bình quân quản lý tối đa mạng lưới 15 ĐLPS.

- Nhân viên Hỗ trợ KD lúc đầu có thể kiêm nhiệm.

=> Do vậy, với dự kiến xây dựng mạng lưới 120 ĐLPS tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thì tối đa cần 8 nhân viên KD.

2. Lập kế hoạch tài chính:

- Lập kế hoạch tài chính cho khâu chuẩn bị: Tuyển dụng và đào tạo nhân sự; Khảo sát thị trường; Thiết kế và thử nghiệm phần mềm.

- Lập kế hoạch tài chính cho khâu vận hành dự án: Chi phí cho các công cụ marketing (thiết kế, in ấn,….); Chi phí tiếp cận thị trường (Chi phí tiếp khách, chi phí tổ chức diễn đàn PR sản phẩm, chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội,….).

- Chi phí phát sinh khác (Chi phí văn phòng phẩm, chi phí chậm tiến độ dự án,….).

3.Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế theo phương án thí điểm: 3.1. Các giả thuyết xây dựng phương án:

- Nhiệm vụ giao cho mỗi NVKD là phát triển và quản lý từ 10 ÷ 15 ĐLPS trong khu vực của mình. Khi lượng ĐLPS vượt quá mức quy định trên thì phải tuyển thêm hoặc tăng cường thêm NVKD.

- Tốc độ tăng trưởng ĐLPS bình quân: 10 ĐLPS/tháng.

- Mỗi ĐLPS tùy vào quy mô vốn của mình cùng với sự tính toán về lợi ích kinh tế, các phương án marketing, có thể mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình hoặc tăng lượng khách hàng giao dịch qua tài khoản của mình. Dự kiến mỗi ngày, mỗi ĐLPS có 10 khách hàng tham gia giao dịch và đạt bình quân 100 HĐTL/phiên (Tương đương với 2.200 HĐTL/tháng/22 phiên).

- Mức phí thu dự kiến: 30.000 đồng/HĐTL/Cặp lệnh đóng – mở (Giá trên đã bao gồm VAT và chưa bao gồm thuế TNCN của khách hàng do UBCK thu).

- Mức chi hoa hồng cho ĐLPS: 15.000 đồng/HĐTL/Cặp lệnh đóng – mở (Giá trên đã bao gồm VAT).

- Chi phí thuế TNCN do UBCK thu theo quy định hiện hành là 0,06% tính trên 10% giá trị HĐTL khớp lệnh.

* Kết luận: Với những giả thuyết nêu trên thì lợi nhuận trước thuế dự kiến trong năm 2019 của 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai ước đạt 25,74 tỷ đồng. Thuế TNDN phải nộp là 5,15 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 20,6 tỷ đồng (Các số liệu và công thức tính toán thực hiện trên bảng tính excel kèm theo thuyết minh này).

Trên đây là toàn bộ bản phác thảo mô hình kinh doanh sản phẩm CKPS theo mô hình kênh và dự thảo kế hoạch kinh doanh thí điểm tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Kính trình Ban Lãnh đạo công ty phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.

Trân trọng!

GỌI NGAY 0903 649 782
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ & THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG 

Địa chỉ: 28B, Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM 

Hotline:  0903 649 782 - 028 3514 6426

Email:  nguyenthanhmp156@gmail.com , 

Website: www.minhphuongcorp.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha