Quy hoạch nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu do Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải thực hiện đã được hoàn thiện
Ngày đăng: 24-12-2018
2,708 lượt xem
BÁO CÁO
Tình hình xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Sở Xây dựng xin báo cáo tình hình xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh như sau:
I. Hiện trạng xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
1. Hiện trạng xử lý chất thải rắn công nghiệp
a) Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường
Hiện nay, chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh có khối lượng lớn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ trạm xử lý nước thải với tổng khối lượng khoảng 1.285 tấn/ngày (trong đó riêng xỉ thép trung bình 1.230 tấn/ngày). Lượng chất thải này đang được chuyển giao cho các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh để xử lý (Công ty TNHH Vật Liệu Xanh, Công ty cổ phần Thành Đại, Công ty TNHH Quý Tiến, Công ty TNHH KBEC Vina); một phần chuyển cho các đơn vị vận chuyển về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM xử lý, đạt tỷ lệ khoảng 97%.
Một số tồn tại: Hiện nay có một lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường ngoài tỉnh đang đưa về chôn lấp tại bãi rác của Công ty TNHH Kbec Vina trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên mà chưa cấm được.
b) Đối với chất thải nguy hại (CTNH)
Khối lượng CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 204 tấn/ngày (không tính bụi lò luyện thép). Khối lượng CTNH đã được chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý khoảng 178 tấn/ngày, đạt tỷ lệ khoảng 87%.
Đối với bụi lò thép: Tổng khối lượng phát sinh 11 tháng đầu năm 2018 khoảng 95.000 tấn; chủ yếu đã được chuyển cho Công ty cổ phần kim loại màu Việt Bắc, Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, Công ty TNHH Siam City Cement VN (tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Kiên Giang - 03 đơn vị đã được Tổng cục Môi trường cấp Giấy phép hành nghề quản lý CTNH) xử lý khoảng 90.000 tấn; phần khối lượng còn lại khoảng 5.000 tán đang được lưu giữ tại các nhà máy luyện thép (diện tích kho chứa khoảng 8.500 m2, sức chứa khoảng 30.000 tấn). Hiện nay Công ty CP Zinc Oxide Coporation đang thi công xây dựng nhà máy xử lý bụi lò thép tại khu công nghiệp Phú Mỹ III (khởi công tháng 01/2018).
Một số tồn tại: Hiện nay tỉnh vẫn chưa chủ động được việc xử lý bụi lò luyện thép.
2. Hiện trạng xử lý chất thải rắn y tế
Khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2,28 tấn/ngày. Trong đó, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế công lập được xử lý tại chỗ bằng phương pháp thiêu hủy. Hiện có 13 lò đốt, hấp chất thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý, tiêu hủy đạt 100%.
Một số tồn tại: một số lò đốt chất thải y tế tại bệnh viện chưa đạt yêu cầu.
3. Hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt
- Chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, huyện Tân Thành, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc được thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại khu chôn lấp của Công ty TNHH KBEC Vina với khối lượng khoảng 900 tấn/ngày.
- Chất thải rắn sinh hoạt của huyện Côn Đảo khoảng 12 - 15 tấn/ngày được thu gom về khu vực suối Nhật Bổn (Bãi Nhát). Tại đây, một phần được đốt bằng Lò đốt khoảng 6 tấn/ngày, phần còn lại tiếp tục lưu giữ, đến nay đang tồn đọng khoảng trên 60.000 tấn.
Một số tồn tại:
- Việc chôn lấp rác sinh hoạt tại bãi chôn lấp của Công ty TNHH KBEC Vina vẫn chưa bảo đảm an toàn về môi trường, đã xảy ra vi phạm, bị phương tiện truyền thông và cử tri phản ánh.
- Khu liên hợp xử lý chất thải Láng Dài của Công ty TNHH Green HC và việc di dời Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc từ xã Phước Hòa về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên triển khai chậm dẫn đến tỉnh vẫn phải lệ thuộc vào Công ty TNHH KBEC Vina.
- Việc triển khai Nhà máy đốt rác Côn Đảo gặp khó khăn nên rác của huyện Côn Đảo vẫn phải tập trung về lưu giữ và xử lý tại Bãi Nhát, ảnh hưởng đến môi trường của huyện.
- Việc chuyển sang công nghệ đốt có ưu điểm về bảo vệ môi trường và tiết kiệm quỹ đất, nhưng cần chi phí đầu tư rất lớn (khoảng 2.400 tỷ đồng) và giá xử lý cao (khoảng 45 USD/tấn) – tính với mức công nghệ tương đối tiên tiến, vì vậy đến nay chưa thực hiện được.
4. Về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn:
Ngày 16/6/2016 UBND tỉnh có văn bản số 4299/UBND-VP về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện thí điểm việc phân loại rác tại nguồn. Ngày 05/8/2016 Sở Xây dựng đã có văn bản số 1864/SXD-HTKT về việc triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, trong đó đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chọn mỗi địa phương 1 khu phố, 1 phường để triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn. Đến nay, Đề án quản lý chất thải rắn theo mô hình phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Côn Đảo đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán, UBND huyện Côn Đảo đang triển khai thực hiện; UBND thành phố Bà Rịa đang tổ chức thí điểm tại phường Phước Hiệp. Đề án thí điểm tại phường Phước Hưng, thành phố Bà Rịa do Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải thực hiện đã được hoàn thiện theo ý kiến của các cơ quan, đã trình Sở Tài chính thẩm định phần dự toán kinh phí, tuy nhiên chưa bố trí được nguồn vốn thực hiện.
Một số tồn tại:
Việc phân loại rác tại nguồn rất cần thiết, nhưng yêu cầu phải thực hiện đồng bộ với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và nâng cao ý thức cộng đồng. Đến nay chưa có địa phương nào trong cả nước thực hiện thành công. Vì vậy, quá trình thực hiện cần thí điểm, rút kinh nghiệm, dần hoàn thiện mô hình, báo cáo UBND tỉnh trước khi mở rộng phạm vi và tiến tới triển khai đại trà.
II. Hiện trạng Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên
1. Về quy hoạch
Khu xử lý chất thải tập trung Tóc tiên đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3318/QĐ-UBND ngày 22/11/2016. Diện tích 137,6 ha, bao gồm 100 ha hiện hữu và 37,6 ha mở rộng.
Chức năng: Xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; di dời nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Bảo Ngọc từ xã Phước Hòa về, xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt; dự trữ đất cho cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung.
2. Về quy định quản lý:
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 22/9/2017 ban hành Quy chế quản lý các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Quyết định số 252/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 về việc đính chính Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quy chế quản lý các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
3. Về đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải
Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 14 dự án, bao gồm:
a) Các dự án đã hoàn thành: 08 dự án, bao gồm:
(1) Dự án nhà máy xử lý và chế biến các chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty TNHH Đại Nam
- Vốn đăng ký đầu tư: 20.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 300 m3 chất thải hầm cầu/ngày;
- Diện tích đất: 2,41 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Năm 2008;
- Thời gian chính thức hoạt động: Năm 2009;
(2) Dự án Bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp không nguy hại hợp vệ sinh của Công ty TNHH KBEC VINA
- Nội dung đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp:
- Vốn đăng ký đầu tư: Giai đoạn I: 14 triệu USD, trong đó vốn góp để thực hiện dự án: 2 triệu USD;
- Công suất xử lý: Chôn lấp chất thải công nghiệp không nguy hại 1000 tấn/ngày;
- Diện tích đất: 38,1 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Quý III/2011;
- Thời gian chính thức hoạt động: Tháng 10/2011.
(3) Dự án Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Hà Lộc:
- Vốn đăng ký đầu tư: 82.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 25.000 tấn/năm (69 tấn/ngày);
- Diện tích đất: 2,3 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư:Tháng 12/2009;
- Thời gian chính thức hoạt động: Quý IV/2009.
(4) Dự án Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Cổ phần Môi trường Sao Việt
- Vốn đăng ký đầu tư: 75.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 20.000 tấn/năm (54 tấn/ngày);
- Diện tích đất: 2,67 ha;
- Thời hạn đưa dự án hoạt động theo giấy CN đầu tư: Tháng 12/2009;
- Thời gian chính thức hoạt động: Tháng 11/2010.
(5) Dự án Nhà máy tái chế xỉ thép làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Việt Ninh
- Vốn đăng ký đầu tư: 50.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 220.000 tấn xỉ/năm (603 tấn/ngày);
- Diện tích đất: 2,38 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Tháng 6/2013.
(6) Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, dầu khí và chất thải nguy hại của Công ty CP Môi trường sạch Việt Nam:
- Vốn đăng ký đầu tư: 53.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 29.925 tấn/năm (82 tấn/ngày);
- Diện tích đất: 1,5 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Tháng 4/2013.
(7) Dự án Nhà máy chế biến năng lượng tái tạo từ chất thải của Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo DVA
- Vốn đăng ký đầu tư: 40.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 80 tấn/ngày;
- Diện tích đất: 1,0 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư: Tháng 01/2014.
(8) Dự án di dời cơ sở xử lý chất thải hiện hữu của Công ty TNHH Quý Tiến
- Nội dung đầu tư : Dự án mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 5374/UBND-VP ngày 29/7/2014 và được Sở Xây dựng thỏa thuận địa điểm tại văn bản số 1675/SXD-CTMT ngày 26/8/2014, với nội dung dự kiến như sau:
- Loại chất thải xử lý: Phân loại tạp chất kèm theo phế liệu sắt thép;
- Vốn đăng ký đầu tư: 50 tỷ đồng;
- Công suất xử lý: 186 tấn/ ngày (119 tấn CTR thông thường và 67 tấn CTR nguy hại);
- Diện tích đất: 1,5 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động: Đang vận hành thử.
b) Các dự án đang đầu tư xây dựng hoặc đang vận hành một phần: 06 dự án, bao gồm:
(1) Dự án Trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý chất thải lỏng, bùn thải của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị
- Vốn đăng ký đầu tư: 24.117 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: Xử lý bùn nạo vét 44.085m3/năm (147 m3/ngày); 51m3 chất thải hầm cầu/ngày;
- Diện tích đất: 2,82 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Tháng 6/2011.
(2) Dự án của Khu liên hiệp xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại Công ty TNHH Sông Xanh
- Vốn đăng ký đầu tư: 51.000 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 7000 tấn/năm (19 tấn/ngày) chất thải không nguy hại và 2.750 tấn/năm (7,5 tấn/ngày) chất thải nguy hại;
- Diện tích đất: 1,0 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Năm 2018.
(3) Dự án Nhà máy lưu trữ, xử lý và tiêu hủy chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Huy Thịnh
- Vốn đăng ký đầu tư: 48.700 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 18.000 tấn/năm (49 tấn/ngày);
- Diện tích đất: 1,2 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động theo giấy CN đầu tư: Tháng 6/2014..
(4) Dự án di dời cơ sở tái chế chất thải nguy hại của Công ty Dung Ngọc
- Nội dung đầu tư : Dự án mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 5373/UBND-VP ngày 29/7/2014 và được Sở Xây dựng thỏa thuận địa điểm tại văn bản số 1676/SXD-CTMT ngày 26/8/2014, với nội dung dự kiến như sau:
- Loại hình xử lý: Tái chế đồng, chì, nhôm, thiếc từ phế liệu thu mua;
- Vốn đăng ký đầu tư: 100 tỷ đồng;
- Công suất xử lý: 58 tấn/ngày;
- Diện tích đất: 2,5 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động: Tháng 12/2018.
(5) Dự án Khu chôn lấp rác thải sau xử lý của Nhà máy xử lý chất thải rắn Tân Thành của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Bảo Ngọc:
- Vốn đăng ký đầu tư: 65.334 triệu đồng Việt Nam;
- Công suất xử lý: 47,85 tấn/ngày;
- Diện tích đất: 10 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động: Tháng 01/2019.
(6) Dự án di dời Nhà máy xử lý chất thải rắn Tân Thành của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Bảo Ngọc:
- Công suất xử lý: 500 tấn/ngày;
- Diện tích đất: 6,5 ha;
- Thời hạn đưa dự án vào hoạt động: Tháng 01/2019.
4. Một số tồn tại:
- Công suất hoạt động của nhiều dự án thấp hơn công suất thiết kế, thuộc các loại hình xử lý dầu thải, dung môi, bao bì, chôn lấp chất thải công nghiệp thông thường.
- Một số dự án kém hiệu quả như Nhà máy tái chế xỉ thép làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Việt Ninh, Trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý chất thải lỏng, bùn thải của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị.
- Một số dự án đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường như Công ty TNHH KBEC VINA, Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị, Công ty TNHH Đại Nam, Công ty Cổ phần Môi trường Sao Việt.
- Chưa xây dựng được trạm xử lý nước thải tập trung để bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường đối với nước thải.
III. Một sô giải pháp và kiến nghị đối với công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
1. Xử lý chất thải rắn công nghiệp
- Bổ sung loại hình xử lý chất thải nguy hại có chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên vào Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh.
- Thực hiện quản lý theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu xử lý chất thải tập trung Tóc tiên, Láng Dài đã được UBND tỉnh phê duyệt và Quy chế quản lý các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được UBND tỉnh ban hành.
- Không chấp thuận đầu tư thêm các loại hình xử lý chất thải đã vượt nhu cầu của tỉnh như xử lý dầu thải, dung môi, bao bì, chôn lấp chất thải công nghiệp thông thường. Tùy tình hình phát sinh và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ xem xét thu hút thêm các dự án tỉnh có nhu cầu theo hướng khuyến khích tái chế, đốt…, chỉ chôn lấp những loại chất thải không xử lý được để tiết kiệm đất.
- Đôn đốc triển khai nhanh nhà máy xử lý bụi lò thép, đưa vào hoạt động trong năm 2019 để không phụ thuộc vào các đơn vị thu gom ngoài tỉnh
2. Xử lý chất thải rắn y tế
- Trước mắt, khắc phục các lò đốt chất thải y tế tại bệnh viện chưa đạt yêu cầu.
- Hiện nay UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Sara Vũng Tàu đầu tư dự án xử lý chất thải y tế tập trung tại khú xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Sở Xây dựng sẽ phối hợp, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án để xử lý tập trung chất thải y tế của tỉnh. Khi hoàn thành dự án này thì các lò đốt rác y tế hiện hữu sẽ được sử dụng dự phòng.
3. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Việc chôn lấp hợp vệ sinh rác sinh hoạt là công nghệ dễ thực hiện, nhưng tốn đất và tiềm ẩn rủi ro về môi trường. Vì vậy, không nên sử dụng lâu dài công nghệ này. Để tiến tới sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, hiệu quả hơn, cần triển khai một số nội dung sau:
- Đẩy nhanh tiến độ di dời Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc từ xã Phước Hòa về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, sử dụng công nghệ tái chế phân compost. Trường hợp Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc tìm kiếm được đối tác cung ứng thiết bị đốt thì ủng hộ để ứng dụng. Tiến độ hoàn thành dự kiến trong năm 2019.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Láng Dài của Công ty TNHH Green HC để giảm lệ thuộc vào Công ty TNHH KBEC Vina. Giai đoạn 1 dự án dự kiến đi vào hoạt động từ Quý II/2019. Yêu cầu Công ty TNHH Green HC đầu tư 02 lò đốt trong giai đoạn 2, công suất 400 tấn/ngày như cam kết, thời hạn từ năm 2020.
Về xử lý bãi rác tạm Cổng Trắng, thành phố Bà Rịa: Ngày 30/11/2018 UBND tỉnh đã có Thông báo số 688/TB-UBND giao UBND thành phố Bà Rịa thực hiện. Đề nghị UBND thành phố Bà Rịa sớm triển khai thực hiện.
Về xử lý rác tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo: Ngày 25/6/2018 UBND tỉnh đã có văn bản số 6169/UBND-VP về phương án xử lý rác tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo, đồng ý với ý kiến đề xuất của UBND huyện Côn Đảo tại văn bản 1222/UBND-KHTC ngày 17/5/2018 (đề xuất cho Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Đa Lộc xử lý). Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Côn Đảo tiến hành các thủ tục về công nghệ xử lý, môi trường, chi phí xử lý để đặt hàng xử lý rác tại Bãi Nhát theo quy định.
Về đầu tư nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo: Ngày 23/12/2017 UBND tỉnh có văn bản số 722/TB-UBND Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với UBND huyện Côn Đảo về tình hình KT-XH năm 2017 và kế hoạch năm 2018, trong đó UBND tỉnh đồng ý chủ trương và giao UBND huyện Côn Đảo tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đề nghị UBND huyện Côn Đảo sớm triển khai thực hiện.
Đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Thông báo số 338-TB/TU ngày 20/12/2011 và văn bản số 871-CV/TU ngày 14/3/2012, đã được đơn vị tư vấn nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, có tham khảo kinh nghiệm trong nước và các nước khác. Qua nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp của các Sở, Ngành liên quan và các địa phương, ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy (Thông báo kết luận số 1575-TB/TU ngày 17/11/2014) và UBND tỉnh (văn bản số 220/TB-UBND ngày 30/8/2013, số 1708/UBND-VP ngày 18/3/2015), đến nay Đề án đã được hoàn thiện, cơ bản phù hợp chủ trương và điều kiện của tỉnh, hội đủ điều kiện để quyết định lựa chọn công nghệ xử lý rác sinh hoạt của tỉnh. Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt làm căn cứ thực hiện.
4. Về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn:
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp rút kinh nghiệm, hoàn thiện, lựa chọn mô hình tối ưu, báo cáo UBND tỉnh cho mở rộng phạm vi thực hiện và tiến tới triển khai đại trà.
5. Đối với Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên:
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và sắp xếp, bố trí phù hợp các dự án xử lý chất thải trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, để yêu cầu các nhà máy đầu tư, cải tạo, chuyển đổi công nghệ phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường đang liên hệ với Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường để khảo sát, đánh giá lại các dự án tại đây, nhưng đến nay Tổng cục Môi trường chưa phối hợp thực hiện. Ngoài ra, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang chủ trì tham mưu UBND tỉnh về xử lý chất thải có nhân phóng xạ tự nhiên tại nhà máy của Công ty TNHH Sông Xanh. Vì vậy, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp các vấn đề trên để có cơ sở điều chỉnh quy hoạch và sắp xếp, bố trí phù hợp các dự án tại đây.
- Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, PC49 Công an tỉnh tổ chức chinh sát, giám sát chặt chẽ các thông số môi trường phát thải từ các cơ sở xử lý chất thải tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
- Về hoàn thiện hạ tầng Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên: Hiện nay UBND tỉnh đã quyết định chủ trương cho Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung để bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường đối với nước thải. Sở Xây dựng sẽ phối hợp, đôn đốc, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
Sở Xây dựng xin báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ & THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG
Địa chỉ: 28B, Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Hotline: 0903 649 782 - 028 3514 6426
Email: nguyenthanhmp156@gmail.com ,
Website: www.minhphuongcorp.com
Gửi bình luận của bạn