Quy định về quản lý chất thải trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

Quy định về quản lý chất thải trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh quản lý.

Ngày đăng: 22-05-2019

1,182 lượt xem

Quy định về quản lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, sản xuất thép và các sở khác

1. Tro, xỉ, thạch cao phải được phân định, phân loại; trường hợp không phải là chất thải nguy hại và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, sử dụng trong các công trình xây dựng và được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

2. Tro, xỉ, thạch cao được phân định là chất thải công nghiệp thông thường được khuyến khích sử dụng để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và môi trường.

3. Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng gửi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, chất thải công nghiệp thông thường khác và chất thải nguy hại để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Trường hợp chưa ban hành được quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.”

27. Bổ sung Điều 54a như sau:

“Điều 54a. Quy định về thực hiện quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp

1. Đối tượng phải thực hiện quan trắc môi trường định kỳ gồm:

a) Đối tượng phải quan trắc nước thải định kỳ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 39 Nghị định này;

b) Đối tượng phải quan trắc khí thải định kỳ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 Nghị định này;

c) Đối tượng phải phân định bùn thải, chất thải rắn có chứa thành phần nguy hại loại một sao để quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;

d) Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP phải thực hiện quan trắc thành phần môi trường đã gây ra ô nhiễm. Thành phần môi trường, tần suất và thông số quan trắc được xác định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải xây dựng kế hoạch thực hiện quan trắc môi trường định kỳ (sau đây gọi chung là Kế hoạch), gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 của năm trước để theo dõi, giám sát; trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của bộ, cơ quan ngang bộ thì đồng thời gửi kế hoạch cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc lập kế hoạch căn cứ vào các nội dung sau:

a) Chương trình quan trắc và giám sát môi trường định kỳ trong báo cáo và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận hoặc các hồ sơ tương đương hoặc chương trình quan trắc và giám sát môi trường định kỳ đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hoạt động của dự án, cơ sở, khu công nghiệp tại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc các văn bản xác nhận, điều chỉnh khác có liên quan;

b) Các loại chất thải phát sinh theo từng nguồn, điểm xả thải; thành phần môi trường phải quan trắc; tần suất và thông số quan trắc môi trường định kỳ.

3. Tổ chức thực hiện dịch vụ quan trắc môi trường định kỳ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của kết quả quan trắc môi trường.

4. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Theo dõi, giám sát việc quan trắc môi trường định kỳ của các đối tượng trên địa bàn; tổ chức kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết;

b) Khi cần thiết, trưng cầu đơn vị giám định độc lập có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để kiểm tra chéo mẫu chất thải do tổ chức dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện. Kết quả quan trắc môi trường của tổ chức giám định độc lập có giá trị pháp lý để thực hiện; kinh phí quan trắc sẽ do nhà nước chi trả từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường; trường hợp mẫu chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải sẽ được sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

c) Đánh giá kết quả quan trắc môi trường. Trường hợp kết quả quan trắc chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, có văn bản nhắc nhở (lần đầu) và yêu cầu đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này rà soát lại quy trình vận hành, công trình bảo vệ môi trường để có kế hoạch điều chỉnh, cải tạo, nâng cấp (nếu cần thiết), bảo đảm chất thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả, thải; trường hợp kết quả tự quan trắc tiếp tục vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được quan trắc môi trường định kỳ

a) Lập Kế hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều này và chịu trách nhiệm toàn bộ về tính chính xác nêu trong Kế hoạch của mình;

b) Đề xuất đơn vị có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện quan trắc môi trường định kỳ cho cơ sở, khu công nghiệp của mình;

c) Sử dụng kết quả quan trắc nước thải công nghiệp để kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định;

d) Sử dụng kết quả quan trắc môi trường định kỳ để lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về thực hiện quan trắc môi trường định kỳ quy định tại Điều này.”

28. Sửa đổi, bổ sung Điều 55 như sau:

“Điều 55. Phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam và đối tượng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

1. Phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu (sau đây gọi tắt là cơ sở sản xuất); được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu. Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa (E-Manifest) có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;

b) Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 57 Nghị định này.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các thông tin quy định tại điểm a và b khoản này trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.

2. Tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu sau đây được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:

a) Đáp ứng các yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường;

b) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các dự án đã đi vào vận hành.

Đối với dự án mới xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

c) Có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.”

29. Sửa đổi, bổ sung Điều 56 như sau:

“Điều 56. Điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

1. Điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu

a) Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

- Có hệ thống thu gom nước mưa; hệ thống thu gom và biện pháp xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;

- Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.

b) Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

- Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;

- Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.

2. Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

3. Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.

4. Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này.

5. Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

6. Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa. Không được nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế và bán lại phế liệu. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.

Đối với nhựa phế liệu, chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm), trừ các trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cơ sở sản xuất đang hoạt động được phép nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất ra hạt nhựa tái chế thương phẩm đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Đối với giấy phế liệu, chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm bột giấy tái chế thương phẩm).

7. Ký hợp đồng trực tiếp với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.”

30. Bổ sung Điều 56b như sau:

“Điều 56b. Thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Giấy xác nhận).

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Báo cáo các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo Mẫu số 02 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế;

d) Bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

đ) Bản sao văn bản của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh thông báo kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải để chủ dự án vận hành thử nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 16b Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (chỉ áp dụng đối với dự án vận hành thử nghiệm);

e) Bản sao văn bản của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh thông báo kết quả kiểm tra việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án quy định tại điểm d khoản 6 Điều 16b Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (chỉ áp dụng đối với dự án mới, kết thúc vận hành thử nghiệm);

g) Bản sao một trong các loại giấy tờ: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu của cơ sở đề nghị cấp lại giấy xác nhận;

h) Bản sao hợp đồng chuyển giao, xử lý tạp chất, chất thải với đơn vị có chức năng phù hợp (trong trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu, chất thải phát sinh);

i) Bản cam kết về tái xuất hoặc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm theo Mẫu số 03 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục kiểm tra, thời gian, cấp Giấy xác nhận

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất lập chứng từ điện tử (hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận theo quy định tại khoản 2 Điều này), gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Quy trình triển khai, tiếp nhận, trao đổi, phản hồi thông tin và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại khoản này thực hiện trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia và hệ thống xử lý chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc cơ quan được ủy quyền thành lập đoàn kiểm tra về các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều 56 Nghị định này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc cơ quan được ủy quyền có văn bản thông báo gửi tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và nêu rõ lý do.

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế, lấy và phân tích mẫu các nguồn chất thải phát sinh của dự án, cơ sở để đánh giá (trường hợp cần thiết tiến hành lấy và phân tích mẫu tổ hợp để đánh giá). Kinh phí lấy, phân tích mẫu được lấy từ nguồn thu phí cấp Giấy xác nhận; trường hợp lấy mẫu tổ hợp kinh phí sẽ do tổ chức, cá nhân chi trả. Kết quả kiểm tra được thể hiện bằng biên bản;

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy xác nhận; trường hợp chưa đáp ứng đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, điều kiện về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các yêu cầu của văn bản thông báo, gửi lại hồ sơ đã hoàn thiện đến cơ quan có thẩm quyền xem xét; trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra lại các điều kiện về bảo vệ môi trường và xem xét, cấp Giấy xác nhận;

d) Thời hạn cấp Giấy xác nhận là 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; thời hạn cấp lại Giấy xác nhận là 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời hạn nêu trên không bao gồm thời gian tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ và phân tích mẫu chất thải;

đ) Giấy xác nhận có thời hạn 05 năm theo Mẫu số 04 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Đối với các dự án mới, quy trình cấp Giấy xác nhận được thay thế quy trình kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Giấy xác nhận thay thế Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án, cơ sở xử lý chất thải nguy hại có công đoạn sản xuất, tái chế, tái sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, quy trình cấp Giấy xác nhận được lồng ghép với quy trình cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Cơ quan cấp phép cấp đồng thời Giấy xác nhận và Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

4. Trình tự, thủ tục kiểm tra, thời gian cấp Giấy xác nhận đối với trường hợp dự án vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất lập chứng từ điện tử (thành phần hồ sơ cấp giấy xác nhận quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này), gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Quy trình triển khai, tiếp nhận, trao đổi, phản hồi thông tin và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại khoản này thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy xác nhận; trường hợp chưa đáp ứng đủ điều kiện, phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ, điều kiện về bảo vệ môi trường; trường hợp cần thiết có thể kiểm tra thực tế các công trình xử lý chất thải trước khi cấp Giấy xác nhận;

c) Giấy xác nhận có thời hạn 01 năm để dự án vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo quy định theo Mẫu số 04 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Trước 90 ngày tính đến ngày Giấy xác nhận hết hạn, tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 2 Điều này để đề nghị cấp lại Giấy xác nhận. Trình tự, thủ tục kiểm tra, cấp lại Giấy xác nhận thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Trường hợp Giấy xác nhận bị mất hoặc hư hỏng, tổ chức, cá nhân có văn bản đề nghị cơ quan cấp Giấy xác nhận sao lục lại Giấy xác nhận.

7. Giấy xác nhận bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đến mức bị tước quyền sử dụng Giấy xác nhận hoặc bị đình chỉ hoạt động theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mà hết thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm vẫn chưa hoàn thành việc khắc phục;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chấm dứt hoạt động về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc phá sản, giải thể.

8. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ban hành quyết định thu hồi Giấy xác nhận do mình cấp, trong đó nêu rõ tên tổ chức, cá nhân bị thu hồi, căn cứ, lý do thu hồi và các biện pháp khắc phục kèm theo trong trường hợp tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành trách nhiệm theo quy định tại Điều 63 Nghị định này.

9. Cơ quan cấp, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận và người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đến mức bị tước quyền sử dụng Giấy xác nhận hoặc bị đình chỉ hoạt động phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi bản chính Giấy xác nhận, quyết định thu hồi và quyết định xử phạt đến:

a) Cổng thông tin một cửa Quốc gia;

b) Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);

c) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;

d) Cơ quan cấp Giấy xác nhận đối với trường hợp bị xử phạt vi phạm;

đ) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy xác nhận.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình kiểm tra, cấp Giấy xác nhận; quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường quy định tại Điều này.”

31. Sửa đổi, bổ sung Điều 57 như sau:

“Điều 57. Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu

1. Mục đích và phương thức ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu:

a) Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu là để tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (sau đây gọi tắt là ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu;

c) Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật kể từ ngày ký quỹ.

2. Khoản tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định như sau:

- Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;

- Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;

- Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định như sau:

- Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;

- Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;

- Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

3. Quy trình ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác;

b) Ngay sau khi nhận ký quỹ, tổ chức tín dụng xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vào văn bản đề nghị ký quỹ của tổ chức, cá nhân. Nội dung xác nhận ký quỹ phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau: tên tài khoản phong tỏa; tổng số tiền ký quỹ được tính toán theo quy định tại Nghị định này; thời hạn hoàn trả tiền ký quỹ thực hiện ngay sau khi hàng hóa được thông quan; thời hạn phong tỏa tài khoản (nếu có).

Tổ chức tín dụng gửi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu 02 bản chính văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu gửi văn bản xác nhận đã ký quỹ (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân) lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, đồng thời gửi 01 bản chính cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thông quan.

4. Quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu

a) Tổ chức tín dụng ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức tín dụng đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sau khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo thông tin về số tờ khai hải quan nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đã được thông quan hoặc thông tin về việc hủy tờ khai hải quan nhập khẩu của cơ quan hải quan hoặc chấp hành xong quyết định tái xuất, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

c) Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan và không thể tái xuất được, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu vi phạm. Nếu số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu không đủ thanh toán toàn bộ các khoản chi phí để xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này. Sản phẩm sau xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm có giá trị sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật (không bao gồm phần sản phẩm tạo ra từ nguyên liệu, phụ gia hoặc phế liệu khác được phối trộn theo quy trình sản xuất của đơn vị được chỉ định để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm) và không được hạch toán vào chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm.

Việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm được thực hiện theo quy định về quản lý chất thải. Kinh phí xử lý, tiêu hủy phế liệu vi phạm do tổ chức, cá nhân vi phạm thỏa thuận với đơn vị có đủ năng lực xử lý chất thải, phế liệu vi phạm; trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm, kinh phí xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm do nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật. Đơn vị xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm được ghi trong quyết định xử phạt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật;

d) Trường hợp số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu còn thừa sau khi thanh toán để xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được ý kiến bằng văn bản về việc hoàn thành quá trình xử lý, tiêu hủy phế liệu của cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Tổ chức tín dụng có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.”

32. Thay thế Điều 58 như sau:

“Điều 58. Nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất gửi hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cổng thông tin một của Quốc gia để được xem xét, đánh giá. Quy trình triển khai, tiếp nhận, trao đổi, phản hồi thông tin và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Điều này thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 56b Nghị định này.

2. Hồ sơ nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 05 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các thành phần hồ sơ quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và điểm h khoản 2 Điều 56b Nghị định này;

c) Bản sao văn bản đánh giá về nhu cầu sử dụng từng loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước và việc sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của bộ quản lý ngành liên quan đến sử dụng phế liệu nhập khẩu;

d) Bản sao kết quả phân tích các thông số môi trường của mẫu phế liệu đề nghị nhập khẩu để thử nghiệm do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật thực hiện hoặc kết quả của tổ chức thử nghiệm, giám định, chứng nhận quốc tế thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế;

đ) Các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về chất lượng phế liệu nhập khẩu và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

3. Trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành các hoạt động sau:

a) Xem xét hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trường hợp cần thiết lấy ý kiến của các cơ quan liên quan;

c) Tổ chức kiểm tra điều kiện bảo vệ môi trường tại cơ sở dự kiến thử nghiệm phế liệu nhập khẩu.

4. Căn cứ kết quả thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này, trường hợp đáp ứng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ về loại, khối lượng, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm và thời gian thử nghiệm phế liệu nhập khẩu.

5. Sau khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 04 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Giấy xác nhận là căn cứ để tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất. Cơ quan cấp Giấy xác nhận phải công khai Giấy xác nhận đã cấp trên Cổng thông tin của mình, đồng thời gửi bản chính Giấy xác nhận đến:

a) Cổng thông tin một cửa Quốc gia;

b) Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);

c) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất;

d) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy xác nhận.

6. Quy định về phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm từ ngước ngoài vào Việt Nam; trình tự, thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và thông quan lô hàng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất được thực hiện theo quy định tại Điều 55 và Điều 60 Nghị định này. Việc kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất được thực hiện theo các nội dung quy định tại khoản 7 Điều này.

7. Chất lượng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất không được lẫn các tạp chất sau đây:

a) Hóa chất, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất thải y tế nguy hại;

b) Vũ khí, bom, mìn, đạn, bình kín, bình ga chưa được cắt phá, tháo dỡ tại nước ngoài hoặc lãnh thổ xuất khẩu để loại bỏ nguy cơ về an toàn cháy, nổ;

c) Vật liệu chứa hoặc nhiễm chất phóng xạ vượt quá mức miễn trừ theo quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ;

d) Tạp chất nguy hại tách ra từ phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại;

đ) Đối với phế liệu kim loại nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất, ngoài các yêu cầu quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, phải đáp ứng quy định của pháp luật về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

8. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày vận hành thử nghiệm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá các điều kiện về bảo vệ môi trường đối với nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm. Trường hợp đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vào Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Trường hợp kết quả thử nghiệm phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường thì thông báo cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.”

33. Thay thế Điều 59 như sau:

“Điều 59. Đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm:

a) Tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức giám định nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 60 Nghị định này.

2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật đánh giá sự phù hợp và chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều này.”

34. Thay thế Điều 60 như sau:

“Điều 60. Trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp chứng từ điện tử hồ sơ phế liệu nhập khẩu để thực hiện thủ tục hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hồ sơ phế liệu nhập khẩu bao gồm:

a) Bản khai thông tin về lô hàng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 06 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các tài liệu về phế liệu nhập khẩu: Bản sao Hợp đồng; Danh mục phế liệu; bản sao (có xác thực chữ ký điện tử của người nhập khẩu) vận đơn, hóa đơn, tờ khai hàng hóa nhập khẩu; chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;

c) Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu).

2. Cơ quan hải quan có trách nhiệm:

a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ phế liệu nhập khẩu (bao gồm cả khối lượng, hạn ngạch nhập khẩu phế liệu theo Giấy xác nhận còn hiệu lực) và cho phép tổ chức, cá nhân đưa phế liệu nhập khẩu về bảo quản tại địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu đã được tổ chức, cá nhân lựa chọn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hải quan;

b) Tiến hành kiểm tra hàng hóa đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan; không lấy mẫu, kiểm định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tổ chức giám định được chỉ định thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Việc lấy mẫu giám định và kiểm tra tại hiện trường lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức giám định được chỉ định thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thông quan.

Nội dung kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tỷ lệ kiểm tra ngẫu nhiên đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu được thực hiện theo mức độ quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật, nhưng bảo đảm kiểm tra tối thiểu 10% số lượng hoặc khối lượng lô hàng. Kết quả kiểm tra phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 07 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Sau khi kết thúc kiểm tra, Tổ chức giám định được chỉ định có chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 08 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về kết quả giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu. Tổ chức giám định gửi biên bản kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu (văn bản điện tử được ký số hoặc bản quét từ bản chính được xác thực bằng chữ ký điện tử của tổ chức giám định) lên Cổng thông tin một cửa quốc gia, đồng thời gửi bản chính cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.

4. Cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan cho lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật sau khi nhận được chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu, giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân, cơ quan hải quan phải phối hợp với cơ quan cấp Giấy xác nhận hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu tiến hành trưng cầu tổ chức giám định được chỉ định độc lập để thực hiện giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu. Chứng thư giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu là căn cứ pháp lý cuối cùng để thực hiện thủ tục hải quan hoặc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm chia sẻ thông tin về chủng loại, khối lượng và chất lượng các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được thông quan cho cơ quan cấp Giấy xác nhận và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

5. Cơ quan cấp Giấy xác nhận, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có quyền kiểm tra, thanh tra đột xuất hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu và hoạt động kiểm tra, giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật ngoài kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

Trường hợp phế liệu nhập khẩu có chứng thư giám định không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh và cơ quan cấp Giấy xác nhận (nếu cần thiết) xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Áp dụng biện pháp miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đáp ứng các điều kiện dưới đây được miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu trong thời hạn của Giấy xác nhận đã cấp:

- Phế liệu nhập khẩu có cùng tên gọi, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật và xuất xứ của cùng một nhà cung cấp tại một quốc gia xuất khẩu hoặc phế liệu nhập khẩu có kết quả chứng nhận, giám định chất lượng của tổ chức chứng nhận, giám định nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật;

- Sau 05 lần nhập khẩu liên tiếp, phế liệu nhập khẩu có chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, được Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản xác nhận miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu;

b) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a khoản này lập chứng từ điện tử đề nghị miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, bao gồm:

- Văn bản đề nghị miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 09 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của 05 lần nhập khẩu liên tiếp gần nhất (bản quét từ bản chính được xác thực bằng chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu).

Quy trình triển khai, tiếp nhận, trao đổi, phản hồi thông tin và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Khoản này thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 56b Nghị định này;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, nếu hồ sơ không hợp lệ theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền xử lý hồ sơ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền có văn bản xác nhận miễn, giảm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 10 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền xác nhận phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan xác nhận công khai văn bản xác nhận miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu trên Cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi bản chính văn bản xác nhận miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu đến Cổng thông tin một cửa quốc gia; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải Quan); Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và tổ chức, cá nhân được cấp văn bản xác nhận miễn kiểm tra;

d) Văn bản xác nhận miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu là căn cứ để cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan cho lô hàng;

đ) Trong thời gian được miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu:

- Định kỳ 03 tháng, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải báo cáo tình hình nhập khẩu kèm theo kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 12 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan đã cấp Giấy xác nhận và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất để theo dõi và thực hiện công tác hậu kiểm;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu có quyền kiểm tra đột xuất lô hàng phế liệu nhập khẩu khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có khiếu nại, tố cáo về chất lượng phế liệu nhập khẩu;

e) Trong thời gian được miễn kiểm tra, nếu phát hiện phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc có khiếu nại, tố cáo về kết quả đánh giá sự phù hợp và được xác minh đúng sự thật hoặc qua kiểm tra đột xuất có kết quả đánh giá sự phù hợp không đạt yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra.

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất bị xử phạt theo quy định của pháp luật và không được áp dụng quy định miễn kiểm tra trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt.”

GỌI NGAY 0903 649 782
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ & THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG 

Địa chỉ: 28B, Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM 

Hotline:  0903 649 782 - 028 3514 6426

Email:  nguyenthanhmp156@gmail.com , 

Website: www.minhphuongcorp.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha