Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường
Ngày đăng: 19-04-2022
692 lượt xem
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 665/TTr-BQP ngày 12 tháng 3 năm 2021;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dầu bao gồm:
a) Dầu thô là dầu từ các mỏ khai thác chưa qua chế biến, là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất;
b) Dầu thành phẩm là các loại dầu mỏ đã qua chế biến như xăng, dầu hỏa, diesel, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu làm chất đốt, các loại dầu, mỡ bôi trơn, bảo quản và các sản phẩm để chế biến xăng dầu, mỡ.
2. Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.
3. Sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng là sự cố tràn dầu xảy ra với khối lượng lớn dầu tràn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, môi trường và đời sống, sức khoẻ của Nhân dân.
4. Ứng phó sự cố tràn dầu là các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường.
5. Khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu là các hoạt động nhằm làm sạch đất, nước, hệ sinh thái khu vực bị nhiễm dầu và các biện pháp hạn chế thiệt hại, phục hồi môi sinh, môi trường sau sự cố tràn dầu.
6. Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là tất cả các hoạt động từ việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
7. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố có khả năng xảy ra tràn dầu cùng các phương án ứng phó trong tình huống dự kiến đó, các chương trình huấn luyện, diễn tập để đảm bảo sự sẵn sàng các nguồn lực kịp thời ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra trên thực tế.
8. Hiện trường ứng phó sự cố tràn dầu là khu vực triển khai các hoạt động ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
9. Chỉ huy hiện trường là người được phân công hoặc được chỉ định trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động ứng phó tại nơi xảy ra sự cố tràn dầu. Quyền hạn và trách nhiệm của chỉ huy hiện trường được quy định cụ thể trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của từng cơ sở, địa phương, đơn vị.
10. Cơ sở là các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng xăng, dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.
11. Chủ cơ sở là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về pháp lý đối với các hoạt động của cơ sở.
12. Cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu là cơ quan tổ chức các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
13. Đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu (đơn vị ứng phó) là các tổ chức có trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu và nhân lực được huấn luyện, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
14. Dự án là dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở, cảng có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.
15. Khu vực ưu tiên bảo vệ là khu vực có độ nhạy cảm cao về môi trường hoặc kinh tế xã hội, cần ưu tiên bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu như rừng ngập mặn, dải san hô, khu bảo tồn sinh thái, khu dự trữ sinh quyển, điểm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, khu di tích lịch sử đã được xếp hạng, khu du lịch, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
16. Khu vực hạn chế hoạt động là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ trên biển hoặc bằng các ranh giới, địa giới cụ thể trên bờ, ven biển để cảnh báo, hạn chế sự đi lại trong khu vực để bảo đảm an toàn khi tiến hành cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.
17. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào gây ra tràn dầu làm ô nhiễm môi trường.
18. Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu (viết tắt là Đầu mối liên lạc quốc gia) là Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan thường trực) chịu trách nhiệm nhận, chuyển phát và xử lý các báo cáo khẩn cấp về các sự cố liên quan đến xăng, dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
19. DWT là trọng tải của tàu, sức chở lớn nhất được phép của tàu được tính bằng tấn.
20. GT là tổng dung tích, là số đo dung tích của toàn bộ các không gian kín ở trên tàu bao gồm cả thể tích của ống khói.
Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
1. Tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu.
2. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố tràn dầu kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
3. Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
4. Chủ động ứng phó gần nguồn dầu tràn để ngăn chặn, hạn chế dầu tràn ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa dầu tràn vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ.
5. Đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong ứng phó.
6. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.
7. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu
Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp sau đây:
1. Cấp cơ sở
a) Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường;
b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trợ giúp;
c) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.
2. Cấp khu vực
a) Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân của các địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó;
b) Đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
3. Cấp Quốc gia
a) Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó;
b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế;
Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Điều 6. Phân loại mức độ sự cố tràn dầu
1. Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể:
a) Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn);
b) Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn);
c) Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn).
2. Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.
Điều 7. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện kế hoạch; hướng dẫn địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Quy chế này).
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương, được cập nhập định kỳ hàng năm và trình phê duyệt lại 5 năm một lần.
3. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch thì phải cập nhật bổ sung và cập nhật định kỳ hằng năm; khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch thì phải lập lại kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thẩm định, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt và thông báo đến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án.
5. Đối với các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ từ 50.000 m3 trở lên, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn hơn hoặc bằng 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt.
6. Đối với các cảng tại địa phương, các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000 m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
7. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện.
8. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực xây dựng kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt.
9. Các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên, có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển có kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Điều 8. Thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
1. Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
2. Hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;
b) Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo mẫu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
a) Đối với kế hoạch do Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt, trong thời hạn 30 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;
b) Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong thời hạn 20 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;
c) Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
4. Các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 của Điều 7 Quyết định này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong kế hoạch.
Điều 9. Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu các cấp
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thiết lập chương trình và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả phối hợp ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu cấp quốc gia tại Việt Nam.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu chuyên ngành cho cấp khu vực và quốc gia.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng và tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương.
4. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu bảo đảm cho cán bộ, nhân viên được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng khả năng sẵn sàng triển khai các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thực hiện tập huấn, diễn tập theo kế hoạch đã được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt.
5. Cơ sở, cảng đầu tư hoặc hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm, huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu dưới 20 tấn phải triển khai quây chặn dầu trong vòng 02 giờ; trên 20 tấn đến dưới 500 tấn triển khai quây chặn dầu trong vòng 24 giờ; từ 500 tấn trở lên triển khai tiếp cận hiện trường trong vòng 48 giờ. sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 10. Bảo đảm tài chính để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu
1. Chủ các tàu biển Việt Nam và tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển trên 2.000 tấn dạng thô phải có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu theo quy định của Công ước CLC 1992.
2. Chủ các tàu biển Việt Nam có tổng dung tích trên 1.000 GT hoạt động tuyến quốc tế có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu theo quy định của Công ước Bunker 2001.
Điều 11. Tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án thuộc địa bàn quản lý.
3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi thuộc thẩm quyền.
4. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và phối hợp các cơ quan có thẩm quyền của địa phương kiểm tra thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở tại địa phương trong khu vực.
5. Cơ sở thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.
6. Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa, cơ quan quản lý đường thủy nội địa chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng và các tàu hoạt động trong vùng nước cảng biển, đường thủy nội địa do cảng vụ quản lý.
7. Tàu thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.
Điều 12. Tổ chức giám sát sự cố tràn dầu
1. Việc giám sát phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu và tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu được thực hiện thông qua các hoạt động: giám sát trực tiếp tại tàu, cảng, cơ sở; giám sát của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đất liền, sông, biển và bằng máy bay; giám sát thông qua hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống ra đa quan trắc môi trường biển và hệ thống viễn thám; tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu do các tổ chức, cá nhân cung cấp.
2. Tất cả các cảng, cơ sở đang triển khai thực hiện phải tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ tràn dầu cao trong địa bàn hoạt động của mình để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
3. Tàu dầu tiến hành chuyển tải, sang mạn tàu khác trên vùng biển Việt Nam phải thông báo ít nhất trước 48 giờ kế hoạch chuyển tải, sang mạn cho Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ gần nhất về thời gian, vị trí và khối lượng dầu sẽ tiến hành chuyển tải, sang mạn theo quy định để các cơ quan có thẩm quyền giám sát và có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tràn dầu. Chỉ được phép thực hiện việc chuyển tải, sang mạn khi được sự đồng ý của Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ.
Điều 13. Đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu
1. Các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến một trong các cơ quan sau đây:
a) Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu trên biển;
b) Cảng vụ gần nhất;
c) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực;
d) Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực (trong trường hợp yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển);
đ) Các đài thông tin duyên hải Việt Nam để chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó hoặc cơ quan cứu hộ, cứu nạn;
e) Sở Tài nguyên và Môi trường;
g) Chính quyền địa phương nơi gần nhất;
h) Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan.
2. Máy bay phát hiện vết dầu trên biển thông báo về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn để chuyển tiếp thông tin về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có thể thông tin đến các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý hoặc chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó.
4. Xử lý thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu.
Khi nhận được thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu, cơ quan chủ trì ứng phó phải:
a) Đánh giá tính xác thực của thông tin về sự cố;
b) Sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu;
c) Triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với tình huống;
d) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, kế hoạch phối hợp ứng phó khẩn cấp và ký kết hoặc quyết định các hoạt động triển khai ứng phó;
đ) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong vùng, khu vực bị ảnh hưởng hoặc có khả năng bị ảnh hưởng về sự cố tràn dầu để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả;
e) Báo cáo các cấp có thẩm quyền về tình hình xử lý thông tin và các biện pháp triển khai phối hợp ứng phó cụ thể và các đề xuất, kiến nghị.
Điều 14. Công tác báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu
1. Trong quá trình ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương phải thường xuyên báo cáo theo phân cấp quy định.
2. Báo cáo sự cố tràn dầu duy trì liên tục từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bao gồm:
a) Báo cáo ban đầu sự cố tràn dầu: thực hiện khi phát hiện về sự cố tràn dầu;
b) Các báo cáo sự cố tràn dầu tiếp theo: thực hiện định kỳ hàng ngày trong quá trình ứng phó sự cố tràn dầu;
c) Báo cáo kết thúc sự cố tràn dầu: thực hiện khi kết thúc các hoạt động ứng phó;
d) Báo cáo tổng hợp sự cố tràn dầu: thực hiện để tổng hợp tình hình ứng phó sự cố tràn dầu từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
3. Nội dung báo cáo gồm:
a) Thời gian xảy ra hoặc phát hiện sự cố;
b) Vị trí sự cố, tọa độ (nếu có);
c) Loại dầu;
d) Ước tính khối lượng và tốc độ dầu tràn;
đ) Điều kiện thời tiết (sóng, gió, dòng chảy...);
e) Công tác chuẩn bị ứng phó và dự kiến phương án triển khai;
g) Các yêu cầu, đề nghị trợ giúp, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 15. Ứng phó sự cố tràn dầu do tàu gây ra trên biển
1. Trong trường hợp do tai nạn, sự cố của tàu gây ra tràn dầu liên quan đến các hoạt động cứu hộ, cứu nạn người, tàu gặp nạn và ứng phó sự cố tràn dầu. Việc tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, cứu hộ, cứu nạn theo các tình huống sau:
a) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải thực hiện hợp đồng dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu theo đề nghị của thuyền trưởng, chủ tàu hoặc người đại diện, đại lý của chủ tàu;
b) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phối hợp với Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực để tiến hành đồng thời các hoạt động cứu hộ, cứu nạn người và tàu gặp nạn;
c) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải có trách nhiệm phối hợp khi được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động tham gia ứng phó.
2. Trong trường hợp chỉ có các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải tham gia ứng phó ngoài khơi thì đơn vị nào có năng lực và kinh nghiệm ứng phó hơn sẽ được cơ quan có thẩm quyền chỉ định làm chỉ huy hiện trường. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực làm chỉ huy hiện trường trong trường hợp được điều động tham gia ứng phó.
3. Cảng vụ hàng hải khẩn trương điều động tàu, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
4. Trường hợp sự cố tràn dầu do nhiều tàu gây ra, các tàu phối hợp với nhau cùng khắc phục hậu quả và phải chấp hành sự chỉ đạo của cảng vụ và chỉ huy hiện trường.
5. Trường hợp dầu tràn có nguy cơ lan vào bờ, chỉ huy hiện trường báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển có khả năng bị ảnh hưởng biết để tổ chức giám sát và chuẩn bị ứng phó.
6. Trường hợp dầu tràn trên diện rộng và khó có khả năng bao quát toàn bộ hiện trường, chỉ huy hiện trường và cơ quan chủ trì ứng phó phải kịp thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động hỗ trợ giám sát dầu tràn thông qua các hình thức khác như giám sát bằng ra đa, bằng công nghệ viễn thám hoặc giám sát bằng máy bay, phát thông báo hàng hải đề nghị cung cấp thông tin.
7. Cảng vụ và các cơ quan liên quan để tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu một cách nhanh chóng khi có lệnh điều động của các cơ quan có thẩm quyền hoặc có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.
8. Có thể tiến hành tạm giữ dầu thu gom để tái sử dụng và bắt giữ tàu gây tràn dầu bảo đảm bồi thường
9. Việc yêu cầu chủ tàu và bảo hiểm của chủ tàu gây ô nhiễm khẩn trương tổ chức bảo đảm bồi thường theo mức giới hạn trách nhiệm dân sự theo quy định.
10. Chỉ huy hiện trường và cơ quan, đơn vị chủ trì ứng phó thực hiện các quy định thông tin, báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo và hỗ trợ khi cần thiết.
Điều 16. Ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở, dự án
1. Cơ sở xây dựng kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do cơ sở gây ra.
2. Trong trường hợp tiềm lực và khả năng bị hạn chế, cơ sở hợp đồng với các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để hỗ trợ ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra.
3. Cơ sở thực hiện đầy đủ các yêu cầu, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra một cách nhanh nhất.
4. Trường hợp xét thấy cơ sở ứng phó không hiệu quả hoặc sự cố tràn dầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp hoặc chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó.
5. Khi xảy ra sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và triển khai phương án ứng phó theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chủ trì và chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó.
Điều 17. Ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực cảng
1. Các cảng xây dựng, triển khai ngay kế hoạch khẩn cấp ứng phó để huy động nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu.
2. Trong trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng của cảng, phải hợp đồng với các cơ sở có khả năng ứng phó hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để tham gia ứng phó sự cố.
3. Cảng vụ phối hợp các cơ quan liên quan tại địa phương tiến hành giám sát, đánh giá tình hình hiệu quả việc khắc phục sự cố tràn dầu.
4. Trường hợp xét thấy cảng ứng phó không hiệu quả hoặc sự cố tràn dầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng hơn, Cảng vụ kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trực tiếp chỉ đạo ứng phó.
5. Cảng vụ có thể tạm giữ, bảo quản dầu do thu gom để tái sử dụng hoặc để đảm bảo bồi thường chi phí thiệt hại do dầu tràn gây ra. Việc bàn giao số dầu thu gom căn cứ vào số tiền được bồi thường hoặc cam kết bồi thường đó thống nhất với chủ tàu.
6. Trường hợp chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu không có khả năng bảo đảm bồi thường, Giám đốc Cảng vụ, các cơ quan có thẩm quyền hoặc lực lượng ứng phó làm thủ tục lên Tòa án có thẩm quyền quyết định để yêu cầu bắt giữ tàu nhằm đảm bảo bồi thường chi phí ứng phó, thiệt hại và tổn thất do sự cố tràn dầu gây ra.
7. Việc ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực cảng quân sự, cảng thủy nội địa cũng áp dụng đối với các quy định tại Điều này.
8. Đối với các tàu quân sự, tàu công vụ gây ra sự cố tràn dầu không áp dụng quy định tại khoản 5 và khoản 6 của Điều này.
Điều 18. Ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì hoặc chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh.
2. Căn cứ tình hình diễn biến của sự cố tràn dầu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định chỉ huy hiện trường, huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn để ứng phó.
3. Trường hợp tràn dầu xảy ra trên địa bàn của tỉnh có nguy cơ hoặc lan sang địa bàn của tỉnh khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu chủ động thông báo cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng để phối hợp ứng phó, đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi cần thiết.
Điều 19. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương
1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương và của các bộ, ngành trên địa bàn.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường trong khắc phục và làm sạch đường bờ, quản lý chất thải sau thu gom; các phương án bảo vệ vùng nhạy cảm; điều tra, đánh giá thiệt hại về môi trường và xây dựng các chương trình phục hồi môi trường sau tràn dầu; phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu.
3. Cảng vụ tham mưu về bảo đảm an toàn hàng hải và giao thông đường thủy trong quá trình huy động tàu, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực.
4. Các sở, ban, ngành liên quan của địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Cảnh sát Giao thông đường thuỷ, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đóng quân trên địa bàn tham mưu điều động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.
5. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu khác tham gia vào kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh có trách nhiệm thực hiện các hoạt động phối hợp cứu nạn, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu khi được huy động.
Điều 20. Ứng phú sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng của cấp khu vực
1. Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp khu vực, xảy ra trên diện rộng mang tính liên vùng hoặc sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ứng phó theo Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.
2. Ứng phó sự cố tràn dầu trên diện rộng được phân chia theo khu vực ứng phó trên biển và tại các địa phương xảy ra sự cố tràn dầu.
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương;
b) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ định một hoặc nhiều chỉ huy hiện trường trên biển để ứng phó theo từng khu vực căn cứ tình hình, diễn biến cụ thể của sự cố tràn dầu;
c) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 21. Phối hợp quốc tế trong ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam
1. Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu của nước ngoài vào trợ giúp.
2. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì thống nhất với cơ quan liên quan thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ ứng phó.
3. Việc phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam thực hiện theo thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ ứng phó được các Bên thống nhất.
4. Việc cấp phép và phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 22. Hỗ trợ các quốc gia khác trong ứng phó sự cố tràn dầu
1. Đối với các quốc gia đã ký kết Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương với Việt Nam về ứng phó sự cố tràn dầu thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đã ký kết.
2. Đối với các quốc gia khác, căn cứ theo đề nghị hỗ trợ và khả năng đáp ứng của Việt Nam để thống nhất thỏa thuận hỗ trợ với cơ quan đầu mối về ứng phó sự cố tràn dầu của quốc gia đề nghị.
3. Các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu có trách nhiệm thường xuyên giữ liên lạc, báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về tình hình và cung cấp đầy đủ các tài liệu, hồ sơ phục vụ việc thanh quyết toán.
Điều 23. Thông báo về khu vực hạn chế hoạt động
1. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu, cơ quan chủ trì ứng phó có thể thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.
2. Việc xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động về khu vực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của cơ quan chủ trì ứng phó.
Điều 24. Sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học trong ứng phó sự cố tràn dầu
1. Chỉ được sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học đăng ký và được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Chỉ được sử dụng chất phân tán dầu tràn trên biển sau khi xét thấy việc áp dụng các biện pháp thu hồi dầu tràn khác là không phù hợp.
3. Cấm dùng chất phân tán trong khu vực thủy nội địa, cửa sông, ven biển có độ sâu nhỏ hơn 20 m hoặc cách bờ dưới 01 hải lý.
4. Sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học không được vượt quá mức cho phép và tuân thủ quy trình, hướng dẫn sử dụng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
Điều 25. Phối hợp sử dụng tàu bay tham gia ứng phó sự cố tràn dầu
1. Chỉ huy hiện trường hoặc cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để điều động tàu bay tham gia giám sát hiện trường dầu tràn và rải chất phân tán, chất hấp thụ dầu.
2. Tàu bay tham gia quan trắc, giám sát, rải chất phân tán thông báo kết quả quan trắc, giám sát, rải chất phân tán tại hiện trường về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để chuyển tiếp về chỉ huy hiện trường hoặc cơ quan chủ trì ứng phó.
3. Các hoạt động sử dụng tàu bay tham gia ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và các quy định có liên quan khác.
Điều 26. Phối hợp bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu
1. Ứng phó sự cố tràn dầu tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ.
2. Cơ quan Phòng cháy và chữa cháy tham mưu cho chính quyền địa phương về phòng, chống cháy, nổ trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
3. Chỉ huy lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại hiện trường trực tiếp chỉ huy hoạt động phòng, chống cháy nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 27. Tạm dừng và kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
1. Quyết định tạm dừng hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu khi xuất hiện tình huống gây mất an toàn, có nguy cơ xảy ra tiếp các tai nạn, sự cố nghiêm trọng hoặc việc ứng phó không đem lại hiệu quả.
2. Quyết định tiến hành giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của sự cố tràn dầu để tiếp tục triển khai khi điều kiện cho phép.
3. Quyết định tiếp tục cho triển khai các hoạt động ứng phó khi loại bỏ được tình huống gây mất an toàn hoặc thấy hoạt động ứng phó đem lại hiệu quả.
4. Quyết định kết thúc các hoạt động ứng phó khi dầu tràn được làm sạch hoặc tiếp tục ứng phó tại hiện trường không đem lại hiệu quả.
5. Căn cứ từng tình huống cụ thể để quyết định việc tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai, kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại một, nhiều khu vực hay toàn bộ chiến dịch ứng phó.
Điều 28. Điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn đầu
1. Cơ sở gây ra sự cố tràn dầu thuộc diện quản lý của chuyên ngành nào thì do cơ quan quản lý chuyên ngành đó chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra.
2. Việc điều tra cơ sở, dự án gây ra sự cố tràn dầu thuộc diện quản lý của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành.
3. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì thông báo cho cơ quan Cảnh sát điều tra để phối hợp điều tra. Trường hợp cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến tai nạn, sự cố gây tràn dầu phải sao hoặc phô tô lại để phục vụ việc điều tra chuyên ngành; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng phải lập biên bản bàn giao theo quy định.
4. Báo cáo tổng hợp về điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu phải gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể yêu cầu cơ quan chủ trì điều tra cung cấp các tài liệu, báo cáo trong quá trình điều tra.
Điều 29. Điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu đối với một số trường hợp đặc thù
1. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố do các tàu gây ra tràn dầu trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam do Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý địa bàn thực hiện.
2. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố do các tàu gây ra tràn dầu trên đường thuỷ nội địa do cơ quan giao thông đường thủy nội địa phụ trách phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng tiến hành.
3. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu tại cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, ngành nào thì cơ quan chuyên môn, thanh tra chuyên ngành của bộ, ngành đó chủ trì phối hợp với và các cơ quan liên quan thực hiện.
4. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu chưa rõ nguyên nhân thuộc trách nhiệm của tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.
5. Đối với trường hợp sự cố tràn dầu chưa rõ nguồn gốc, xuất hiện trên diện rộng tại nhiều tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân.
6. Trường hợp sự cố tràn dầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc điều tra, xác định nguyên nhân.
Điều 30. Tạm giữ tàu để phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu
Thực hiện theo quy định tại Điều 114, Điều 115 và Điều 116 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
Điều 31. Tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định việc tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu.
2. Việc tạm đình chỉ và phục hồi hoạt động trở lại đối với cơ sở gây sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Xác định thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra
1. Thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra (gọi tắt là thiệt hại) là tổn thất gây ra đối với người, tài sản, kinh tế và môi trường gồm có:
a) Tổn thất gây ra thương tích hoặc tử vong;
b) Tổn thất đối với tài sản của tổ chức hoặc cá nhân;
c) Tổn thất gây ra cho môi trường, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh thái;
d) Chi phí ứng phó do tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố tràn dầu;
đ) Chi phí để thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm khắc phục môi trường;
e) Tổn thất về lợi nhuận do ảnh hưởng của sự cố tràn dầu gây ra.
2. Các tổ chức, cá nhân ứng phó phải lập hồ sơ tổng hợp chi phí ứng phó thực hiện hoặc thuê thực hiện gửi về cơ quan huy động đề nghị thanh toán.
3. Việc xác định thiệt hại, giám định thiệt hại, lập hồ sơ bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 33. Xác định trách nhiệm bồi thường
1. Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp thiệt hại do tràn dầu ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu cấp tỉnh, thành phần gồm đại diện một số cơ quan tham mưu giúp tỉnh trong ứng phó, giải quyết hậu quả và khắc phục môi trường.
3. Trường hợp thiệt hại do tràn dầu trên diện rộng ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương liên quan giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
4. Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
Điều 34. Quy định về đòi bồi thường
1. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua luật sư để khiếu nại chủ cơ sở, dự án hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại.
2. Ban chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu lập hồ sơ, xác định tổng giá trị thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra để yêu cầu Bên chịu trách nhiệm bồi thường bảo đảm bồi thường chi trả.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động bồi thường, thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu gây ra và các khiếu nại theo quy định.
Điều 35. Sử dụng ngân sách nhà nước cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh toán chi phí tham gia ứng phó sự cố tràn dầu cho các tổ chức, cá nhân được huy động, đồng thời yêu cầu Bên chịu trách nhiệm phải bồi thường lại các chi phí đã thanh toán.
2. Việc thanh toán tạm thời chi phí ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa. Tiền bồi thường chi phí ứng phó do Bên chịu trách nhiệm bồi thường chi trả.
3. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu lại được số tiền bồi thường ít hơn số tiền đã thanh toán theo quy định của pháp luật thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán phần bị thiếu còn lại.
4. Trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ra sự cố tràn dầu thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán toàn bộ số tiền đã thanh toán cho các hoạt động ứng phó do cơ quan nhà nước huy động.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ CỐ TRÀN DẦU
Điều 36. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
1. Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.
2. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các kế hoạch theo quy định tại Điều 7 Quy chế này; kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
3. Chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương để ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra theo phân cấp quy định tại Điều 6 Quy chế này.
4. Chỉ đạo tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, kiêm nhiệm; tổ chức diễn tập, hiệp đồng, phối hợp các lực lượng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để chủ động phòng tránh, ứng phó.
5. Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở hoặc của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan về những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.
6. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan để xử lý sự cố tràn dầu xảy ra trên vùng biển hoặc vùng nước tiếp giáp với các nước khác và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của các lực lượng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống sự cố tràn dầu.
Điều 37. Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp và thống nhất với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc giám sát, phát hiện sự cố tràn dầu và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu theo địa bàn hoạt động.
2. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thuộc quyền; phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với chủ cơ sở để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.
3. Chỉ đạo các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thuộc quyền và huy động lực lượng, phương tiện quân đội tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu thuộc Bộ Quốc phòng, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển, về ứng phó khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
Điều 38. Bộ Công an
1. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
2. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phối hợp với địa phương tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố tràn dầu theo thẩm quyền.
3. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân tràn dầu; khởi tố, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến sự cố tràn dầu.
Điều 39. Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, quy định hướng dẫn việc sử dụng chất phân tán dầu tràn và ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam.
2. Chủ trì hướng dẫn các các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường theo địa bàn quản lý và định kỳ cập nhật hệ thống bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực ven biển và các hải đảo của Việt Nam để phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu.
3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
4. Hướng dẫn các địa phương điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do dầu tràn; chỉ đạo việc phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
5. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan truy tìm, xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; hướng dẫn các địa phương xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra tại địa bàn.
Điều 40. Bộ Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường hàng hải, ngăn ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu chuyên ngành.
2. Chủ trì hướng dẫn việc xây dựng, phê duyệt về triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các cơ sở hoạt động xăng, dầu thuộc bộ quản lý, các tàu chở dầu và kế hoạch hoạt động chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển theo quy định.
3. Chủ trì tổ chức xây dựng, phát hành hải đồ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải, các khu vực có rủi ro xảy ra sự cố tràn dầu để bảo đảm an toàn hàng hải và hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
4. Công bố các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với địa chỉ liên lạc của Việt Nam về sự cố tràn dầu, các Trung tâm và các Trạm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, các cảng vụ hàng hải, thủy nội địa để phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu và cứu hộ, cứu nạn.
5. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa tổ chức phối hợp hiệu quả hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển.
6. Chỉ đạo ngành Hàng hải hướng dẫn các cảng vụ tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động bơm chuyển dầu tại các cảng, cảng dầu khí ngoài khơi, bơm chuyển dầu giữa tàu với tàu trên biển để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố.
Điều 41. Bộ Công Thương
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ đạo cho các đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, lưu chứa, sử dụng dầu có biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.
2. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với cơ sở, dự án để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.
Điều 42. Bộ Ngoại giao
1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp giải quyết thủ tục cho đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu của Việt Nam tham gia hỗ trợ quốc tế và lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam, theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, cơ quan ngang bộ thông qua đường ngoại giao trao đổi thông tin, yêu cầu phối hợp hoặc đề nghị trợ giúp ứng phó sự cố tràn dầu khi có sự cố tràn dầu xảy ra ở lãnh thổ, vùng biển nước ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam hoặc dầu tràn ở lãnh thổ, vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến nước ngoài.
3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan về hợp tác quốc tế trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 43. Các bộ, ngành liên quan
1. Phối hợp với các địa phương, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực kiểm tra chủ cơ sở thuộc quyền để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện theo Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan có thẩm quyền huy động.
4. Báo cáo kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra thuộc phạm vi bộ, ngành quản lý; hàng năm báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu của bộ, ngành về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Điều 44. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 và Điều 11 Quy chế này.
2. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, cảng trên địa bàn tỉnh theo quy định; kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương.
3. Chỉ đạo và báo cáo kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu khi xảy ra trên địa bàn; chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở, tàu gây ra tràn dầu bồi thường thiệt hại.
4. Chỉ đạo việc tập huấn, huấn luyện về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường biển, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.
5. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Điều 45. Trách nhiệm của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực
1. Là lực lượng chuyên trách, nòng cốt ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được giao; thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu dầu theo phân cấp và hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở; sẵn sàng cơ động ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
2. Triển khai hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tham gia vào hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở.
3. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực trên đất liền, trên biển, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt.
4. Kịp thời báo cáo khi có sự cố tràn dầu, kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
5. Tổ chức các khóa huấn luyện, hội thảo, hội nghị trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về ứng phó sự cố tràn dầu, theo kế hoạch được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt.
Điều 46. Trách nhiệm của cảng, cơ sở
1. Các cảng, cơ sở xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sau khi được ban hành và sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố tràn dầu theo sự điều động, chỉ huy của các cơ quan có thẩm quyền.
2. Hàng năm có kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó. Định kỳ tối thiểu 6 tháng triển khai thực hành huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu tại hiện trường.
3. Có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cảng, cơ sở theo quy định; ký kết thoả thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị có năng lực ứng phó để triển khai khi có tình huống.
4. Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.
Điều 47. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
1. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động dịch vụ ứng phó tham gia vào kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu.
3. Các tổ chức, cá nhân có khả năng thực hiện dịch vụ ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu báo cáo cơ quan chủ trì ứng phó kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu theo cấp và khu vực mà tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia.
4. Các tổ chức, cá nhân tham gia vào danh sách nguồn lực sẵn sàng huy động, ứng phó sự cố tràn dầu của kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo cấp nào thì chấp hành lệnh điều động của cơ quan chủ trì triển khai kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu cấp đó.
1. Mục đích:
2. Yêu cầu:
1. Đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn (nêu các đặc điểm chính có liên quan)
2. Các hoạt động thăm dò, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến và kinh doanh xăng dầu
a) Khai thác dầu khí: (nếu có)
b) Cơ sở lọc hóa dầu: (nếu có)
c) Các kho trạm xăng dầu hiện có của tỉnh (thống kê các kho trạm xăng dầu và trữ lượng của từng kho trạm).
3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó tràn dầu của tỉnh, thành phố
a) Lực lượng chuyên trách: số lượng trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu hiện có của địa phương và các Trung tâm khu vực, các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố tràn dầu theo kế hoạch hiệp đồng của từng địa phương.
b) Lực lượng phương tiện kiêm nhiệm
Các cơ sở có khả năng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu: số lượng trang thiết bị của các lực lượng kiêm nhiệm và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao
a) Trên đất liền: Các cơ sở sản xuất, kho trạm xăng dầu có nguy cơ xảy ra sự cố.
b) Trên biển: Bao gồm cảng biển và khu chuyển tải xăng dầu, bờ biển, khu vực biển trọng điểm do địa phương quản lý có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.
c) Trên sông: Gồm bến cảng, các phương tiện vận chuyển xăng dầu.
1. Tư tưởng chỉ đạo: “ Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.
2. Nguyên tắc ứng phó
- Tiếp nhận thông tin đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ ứng phó kịp thời hiệu quả;
- Báo cáo kịp thời theo quy định;
- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường;
- Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước, trong sau ứng phó khắc phục hậu quả;
- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.
3. Tổ chức sử dụng lực lượng
a) Ứng phó trên đất liền và ven bờ biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.
b) Ứng phó trên biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.
1. Trên đất liền
a) Tình huống: Nêu tình huống giả định xảy ra 01 kho trạm.
b) Biện pháp xử lý
- Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố...
- Vận hành cơ chế hợp Ban Chỉ huy ứng phó sự cố...
- Thiết lập sở chỉ huy tại hiện trường để chỉ huy tổ chức ứng phó...
- Tổ chức lực lượng ứng phó sự cố....
2. Trên biển: Tương tự như trên đất liền.
a) Tình huống:
b) Biện pháp xử lý
3. Tại các cảng hoặc trên sông: Tương tự như trên đất liền.
a) Tình huống:
b) Biện pháp xử lý:
1. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Nêu các nhiệm vụ trong chỉ huy chỉ đạo công tác ứng phó.
2. Bộ chỉ huy Quân sự cấp tỉnh.
3. Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng cấp tỉnh.
4. Công an tỉnh.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường.
6. Sở Công Thương.
7. Sở Giao thông vận tải.
8. Sở Tài chính.
9. Sở Y tế.
10. Sở Thông tin và Truyền thông.
11. Ủy ban nhân dân cấp huyện.
12. Đơn vị phối hợp, hiệp đồng với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực.
1. Thông tin liên lạc
- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy chỉ đạo;
- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả.
2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu
3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả
4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn
1. Sở chỉ huy
- SCH thường xuyên (cơ bản): …………
- SCH phía trước: Tại hiện trường nơi xảy ra thảm họa tràn dầu.
2. Tổ chức chỉ huy
- Chỉ huy tại SCH thường xuyên gồm: Thành phần gồm;
- Chỉ huy tại nơi xảy ra sự cố: Thành phần gồm.
Bản đồ tỷ lệ: 1/5000
1. Mục đích:
2. Yêu cầu:
1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên (nêu ngắn gọn vị trí địa lý, khí tượng, thủy văn trong phạm vi địa bàn cơ sở hoạt động).
2. Tính chất, quy mô đặc điểm của cơ sở (Tính chất, quy mô, công nghệ của cơ sở).
3. Lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu hiện có của cơ sở (quân số, trang thiết bị ứng phó, lực lượng phương tiện tham gia phối hợp).
4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao: dự kiến từ 2 - 3 khu vực.
* Kết luận: Khả năng ứng phó của cơ sở ở mức độ nào.
1. Tư tưởng chỉ đạo: “ Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.
2. Nguyên tắc ứng phó
- Tiếp nhận thông tin đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ ứng phó kịp thời hiệu quả;
- Báo cáo kịp thời theo quy định;
- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường;
- Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước, trong sau ứng phó khắc phục hậu quả;
- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.
3. Biện pháp ứng phó
- Thông báo, báo động;
- Tổ chức ngăn chặn;
- Tổ chức khắc phục hậu quả.
4. Tổ chức sử dụng lực lượng
- Lực lượng thông báo, báo động;
- Lực lượng tại chỗ;
- Lực lượng tăng cường;
- Lực lượng khắc phục hậu quả;
- Ứng phó trên đất liền và ven bờ biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường;
- Ứng phó trên biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.
1. Trên đất liền
a) Tình huống: (Nêu tình huống giả định xảy ra 01 kho trạm)
b) Biện pháp xử lý:
- Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố...
- Vận hành cơ chế hợp Ban Chỉ huy ứng phó sự cố...
- Thiết lập Ban Chỉ huy tại hiện trường để chỉ huy tổ chức ứng phó...
- Tổ chức lực lượng ứng phó sự cố....
2. Trên biển (tương tự như trên đất liền)
a) Tình huống
b) Biện pháp xử lý
1. Lãnh đạo chỉ huy cơ sở (nêu nhiệm vụ trong chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó).
2. Lực lượng tiếp nhận cấp phát.
3. Lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ.
4. Các ban ngành của cơ sở.
5. Phối hợp với các đoàn thể, xã hội và ban, ngành của địa phương.
6. Công tác đào tạo, diễn tập: Xây dựng kế hoạch đào tạo, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.
7. Cập nhật kế hoạch triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo.
1. Thông tin liên lạc
- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy chỉ đạo;
- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả.
2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu
- Do đơn vị tự trang bị;
- Ký kết hợp đồng với các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố.
3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.
4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn.
Chủ cơ sở trực tiếp chỉ huy.
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ & THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG
Địa chỉ: 28B, Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Hotline: 0903 649 782 - 028 3514 6426
Email: nguyenthanhmp156@gmail.com ,
Website: www.minhphuongcorp.com
Gửi bình luận của bạn