Dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách

Dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách được xây dựng và phát triển góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa bản địa, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sinh sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân.

Ngày đăng: 20-05-2021

2,057 lượt xem

Dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách

 

MỤC LỤC.. 2

Phần I. MỞ ĐẦU.. 5

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.. 5

II. CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.. 8

III. PHẠM VI, QUY MÔ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.. 9

1.    Phạm vi không gian. 9

2.    Phạm vi thời gian. 9

Phần II. ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN, NGUỒN NHÂN LỰC VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HUYỆN CHỢ LÁCH.. 10

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN.. 10

1.    Vị trí địa lý. 10

2.    Địa thế. 10

3.    Khí hậu. 11

4.    Tên gọi và lịch sử vùng đất Chợ Lách. 11

II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN HUYỆN CHỢ LÁCH.. 13

1.    Tài nguyên đất 13

2.    Tài nguyên nước. 13

III. TÀI NGUYÊN DU LỊCH HUYỆN CHỢ LÁCH.................................... 14

       3.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên huyện Chợ Lách...................................... 14

       3.2. Tài nguyên du lịch nhân văn huyện Chợ Lách..................................... 15

IV. NGUỒN NHÂN LỰC.. 18

V. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN CỦA ĐỊA PHƯƠNG. 19

1.    Cơ cấu kinh tế và tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tại địa phương  19

2.    Kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương. 21

VI. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN CHỢ LÁCH   22

1.    Điều kiện của huyện Chợ Lách trong phát triển du lịch. 22

2.    Hạn chế trong phát triển du lịch huyện Chợ Lách. 25

Phần III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN.. 26

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG LÀNG DU LỊCH SINH THÁI 26

1.    Quan điểm.. 26

2.    Mục tiêu xây dựng làng DU LỊCH SINH THÁI 28

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ TIỀM NĂNG VÙNG ĐỀ ÁN.. 30

1.    Hiện trạng Làng DU LỊCH SINH THÁI Chợ Lách. 30

2.    Tiềm năng du lịch tại 04 ấp: ấp Vĩnh Nam, ấp Đông Kinh, ấp Lân Đông, ấp An Hòa  35

III. NỘI DUNG CỤ THỂ ĐỀ ÁN.. 44

1.    Định hướng phát triển không gian du lịch Làng DU LỊCH SINH THÁI Chợ Lách  44

2.    Định hướng phát triển cảnh quan Làng DU LỊCH SINH THÁI Chợ Lách. 46

3.    Định hướng phát triển tour tuyến đường sông. 49

4.    Phát triển hạ tầng thiết yếu. 49

5.    Quy hoạch môi trường và năng lượng. 51

6.    Phát triển, khôi phục ngành nghề truyền thống và xây dựng các mô hình hoạt động du lịch gắn với sản xuất chủ lực của địa phương. 51

7.    Liên kết vùng của Làng DU LỊCH SINH THÁI Chợ Lách. 52

8.    Đào tạo nghề, nguồn nhân lực. 55

       9. Xây dựng phần mềm hệ thống quản lý, hướng dẫn, quảng bá................. 56

       10. Kết nối các doanh nghiệp, cơ sở lữ hành.............................................. 56

       11. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong làng............................................... 57

       12. Xây dựng khu nghiên cứu, lai tạo và bảo tồn cây giống, Khu bảo tồn dừa quốc tế 57

       13. Xây dựng nội dung tuyên truyền về Làng DU LỊCH SINH THÁI......... 58

       14. Tổ chức các hoạt động khởi nghiệp trong du lịch................................. 58

       15. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Làng và bộ thuyết minh du lịch Làng DU LỊCH SINH THÁI Chợ Lách.................................................................................... 59

       16. Xây dựng cơ chế quản lý cho Làng DU LỊCH SINH THÁI.................. 60

IV. CÁC SẢN PHẨM BẢN VẼ. 71

V. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ.. 71

1.    Tổng vốn đầu tư. 71

2.    Cơ cấu nguồn vốn. 71

VI. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN.. 71

1.    Hiệu quả kinh tế. 71

2.    Hiệu quả xã hội 72

Phần IV. CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.. 73

I. CÁC GIẢI PHÁP. 73

1.    Công bố quy hoạch định hướng đề án và giao đất cho nhà đầu tư. 73

2.    Tuyên truyền vận động trong cư dân nơi triển khai đề án. 73

3.    Xây dựng, tôn tạo giá trị văn hóa truyền thống, phục dựng và phát triển các làng nghề 76

4.    Kế hoạch xây dựng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng bằng mọi hình thức huy động vốn  77

5.    Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, du lịch  78

6.    Phát triển sản xuất 78

7.    Liên kết, gắn kết du lịch địa phương với du lịch vùng, gắn kết du lịch với nông nghiệp. 79

8.    Huy động nguồn lực đầu tư. 81

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.. 81

III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN.. 81

1.    Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2020-2021. 81

2.    Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2022-2025. 82

Phần V.   RỦI RO VÀ QUẢN LÝ RỦI RO.. 84

Phần VI. KẾT LUẬN.. 86

Phần I: MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong bối cảnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, Bến Tre là nơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng và phát triển dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách – là mô hình làng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách được xây dựng và phát triển góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa bản địa, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sinh sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân. Ngoài ra, việc xây dựng dự án đầu tư làng du lịch sinh thái tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước. Đây là nhân tố quan trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc phát triển làng du lịch sinh thái có thể khuyến khích cộng đồng địa phương tự hào về văn hóa dân tộc và góp phần củng cố bản sắc cộng đồng. Để có thể khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa của địa phương, thông qua việc xây dựng làng du lịch sinh thái, tính đặc thù và tài nguyên bản địa phải được nhấn mạnh, thể hiện qua các sản phẩm du lịch cụ thể và đặc thù của từng địa phương.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các đề tài, chương trình và dự án nghiên cứu về du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2008-2018) do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM triển khai thực hiện cho thấy hạn chế lớn nhất về sản phẩm du lịch tại Tây Nam Bộ là tính trùng lắp cao, thiếu hẳn các “sản phẩm du lịch đặc thù”. Hay nói cách khác, “tính bản sắc” của từng địa phương cảm nhận của du khách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ chân du khách và quyết định quay trở lại của du khách. Vì vậy, việc triển khai và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù là một trong những nhiệm vụ cần được các địa phương ưu tiên thực hiện, trong đó có tỉnh Bến Tre.

Bến Tre là một trong những địa phương có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Việc chuyển tải các giá trị văn hóa vào sản phẩm du lịch theo định hướng sản phẩm du lịch thuộc chương trình OCOP để phục vụ cho việc phát triển du lịch là cách thức hữu hiệu vừa “đa dạng hóa” và vừa “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch cho địa phương. Trong bối cảnh đó, Chợ Lách là địa bàn có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu nổi bật hàng đầu trên toàn tỉnh Bến Tre nói riêng và cả vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với điểm nhấn là “vương quốc” hoa kiểng, vùng đất cây lành trái ngọt, vùng sản xuất cây giống lớn nhất nước. Chính các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng sẵn có của vùng nông thôn với tính cạnh tranh cao của Chợ Lách là chất liệu thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Bến Tre. Một trong những cách thức phù hợp để chuyển tải đầy đủ các giá trị đời sống sản xuất - sinh hoạt, văn hóa ký ức và hiện sinh của huyện Chợ Lách đến với du khách gần xa là xây dựng mô hình “Làng du lịch sinh thái Chợ Lách” theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7797:2009. Việc xây dựng Làng du lịch sinh thái Chợ Lách là cần thiết vì:

Thứ nhất là tạo điểm nhấn như là đòn bẩy cho du lịch của tỉnh trong định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Bến Tre.

Làng du lịch sinh thái Chợ Lách được xây dựng và phát triển sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Bến Tre. Sự đầu tư và khai thác thế mạnh sản phẩm nông nghiệp nơi đây tạo nên một làng du lịch sinh thái với những sản phẩm du lịch đặc thù từ cây giống, hoa kiểng và du lịch sông nước, từ đó lan rộng ra các điểm du lịch lân cận trên địa bàn tỉnh, tạo nên sự liên kết tuyến điểm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho tỉnh Bến Tre.

Thứ hai là nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống.

Xây dựng và phát triển Làng du lịch sinh thái Chợ Lách góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho các cộng đồng địa phương, cụ thể là qua việc khai thác những sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ ba là thúc đẩy sự công bằng trong phân phối giá trị.

Phát triển du lịch địa phương dựa trên mô hình làng du lịch sinh thái thúc đẩy sự công bằng trong phát triển du lịch, cộng đồng cùng tham gia và hưởng lợi với các hoạt động du lịch tại làng. Ngoài ra, xây dựng làng du lịch sinh thái mang lại cho toàn bộ cộng đồng những lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Thứ tư là bảo tồn và phát huy di sản tự nhiên và văn hóa.

Xây dựng và phát triển Làng du lịch sinh thái Chợ Lách góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa, sản phẩm địa phương kể cả bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời còn tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước. Đây là nhân tố quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các cơ hội phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn.

Thứ năm là quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Du khách đến với Làng du lịch sinh thái Chợ Lách, trải nghiệm các hoạt động trồng cây giống, tạo hình cho cây kiểng, hoa kiểng và thưởng thức ẩm thực địa phương (trái ngon, đặc sản của vùng đất Cái Mơn), kết hợp với môi trường cảnh quan nông nghiệp đặc trưng tại Làng du lịch sinh thái Chợ Lách sẽ là các kênh quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương ra bên ngoài.

Từ năm yếu tố cần thiết trên, việc đề xuất thực hiện dự án đầu tư “Làng du lịch sinh thái Chợ Lách, tỉnh Bến Tre” hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia. Đồng thời, dự án đầu tư Làng du lịch sinh thái Chợ Lách cũng là một sản phẩm của chương trình OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến việc kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, tạo thêm việc làm, gia tăng giá trị kinh tế và đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung.

II. CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP);

- Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020;

- Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Đề cương đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát”;

- Công văn số 268/TB-VPCP ngày 31 tháng 7 năm 2018 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc triển khai “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến lựa chọn một số tỉnh, thành phố chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình OCOP;

- Công văn số 4914/BNN-VPĐP ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc xây dựng “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”;

- Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16 tháng 01 năm 2017 về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của địa phương trong đó có khu vực nông thôn.

- Thông tư số 43/2017/TT-BTC về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

- Căn cứ quyết định 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28 tháng 10 năm 2019 về phên duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

- Thông tư 58/2016/TT-BTC, ngày 29 tháng 03 năm 2016, Quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Quyết định số 1186/QĐ-UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt ngày 05 tháng 6 năm 2018, Quyết định phê duyệt đề cương “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020”.

- Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Quyết định số 5990/ UBND-TH, ngày 20 tháng 12 năm 2018 về chủ trương xây dựng Đề án Làng văn hoá du lịch Chợ Lách.

- Quyết định số 2882/QĐ-UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt ngày 28 tháng 12 năm 2018 về việc phê duyệt đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

III. PHẠM VI, QUY MÔ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

  1. Phạm vi không gian: Đề án được triển khai tại 4 ấp.

Phạm vi của Làng DU LỊCH SINH THÁI là vòng kết nối 04 ấp: Đông Kinh, Lân Đông, An Hòa, Vĩnh Nam, vòng kết nối với tổng diện tích là 1490,88ha đi qua Huyện lộ 34, 35, 37 và quốc lộ 57 thuộc 04 xã Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới và Vĩnh Thành (phụ lục bản đồ). Trong đó có 534 ha thuộc địa bàn 4 ấp sau đây được chọn là điểm nhấn DU LỊCH SINH THÁI của Làng sẽ được đầu tư cho giai đoạn 2018-2020:

- Ấp Đông Kinh (Xã Vĩnh Hoà);

- Ấp Lân Đông (Xã Phú Sơn);

- Ấp An Hoà (Xã Long Thới);

- Ấp Vĩnh Nam (Xã Vĩnh Thành).

  1. Phạm vi thời gian: 2020-2025, định hướng đến 2030.

 

Phần II: ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN,  TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN, NGUỒN NHÂN LỰC VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HUYỆN CHỢ LÁCH

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

  1. Vị trí địa lý

- Ranh giới hành chính

Chợ Lách nằm phía Tây Bắc của tỉnh Bến Tre với chiều dài gần 23km. Toàn huyện có diện tích 18879 ha.

Tọa độ địa lý huyện nằm trong giới hạn: từ 106o01’ đến 106o17’ kinh độ Đông và từ 10o8’ đến 10o17’ vĩ độ Bắc.

- Sự liên hệ vùng: Phía Đông của huyện Chợ Lách giáp huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), phía Tây giáp huyện Long Hồ (Vĩnh Long), phía Nam giáp sông Cổ Chiên (huyện Măng Thít, Vĩnh Long), phía Bắc giáp sông Tiền, Hàm Luông (huyện Cai Lậy, Tiền Giang và Châu Thành, Bến Tre).

  1. Địa thế

Nằm trên Cù lao Minh, cách trung tâm TP. Bến Tre hơn 35km, huyện Chợ Lách - vùng đất màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa của hai con sông Cổ Chiên và Hàm Luông.

Không chỉ thế, Chợ Lách còn nhận được sư ưu ái của thiên nhiên đất trời khi có hệ thống kênh rạch dày đặc, nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, nhiều cồn bãi.

Được ví như một miền đất lành, hội tụ đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để vùng đất trù phú này vươn mình phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra đây là vùng đất tứ long có 4 con sông tạo nên địa thế đặc biệt của tỉnh Bến Tre.

Huyện Chợ Lách có thể xếp vào tiểu vùng sinh thái phù sa ngọt ven sông Tiền, có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 1-2m so với mực nước biển. Khu vực Chợ Lách là một trong những địa phương tại Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn.

Thị trấn huyện Chợ Lách cách thành phố Bến Tre 47km về hướng Đông - Bắc (theo đường bộ) và cách thành phố Vĩnh Long 17km về hướng Tây. Đường bộ quốc lộ 57 bắt đầu từ xã Hưng Khánh Trung A (huyện Mỏ Cày Bắc), đi qua huyện Chợ Lách khoảng 24km theo hướng Đông - Tây. Đây là đường giao thông bộ chủ yếu đi qua hầu hết các xã trong huyện. Tuyến dự án 18 (Huyện lộ 41) từ bờ sông Tiền thuộc xã Sơn Định đi qua thị trấn Chợ Lách và các xã Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B nối liền với quốc lộ 57 tạo một hệ thống đường giao thông liên hoàn giữa các xã, ấp. Đường thủy có tuyến kênh xáng Chợ Lách đi qua địa bàn huyện khoảng 07km. Đây là đường giao thông thủy quan trọng của khu vực, nối liền các tỉnh từ miền Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ngược lại.

Đặc điểm địa thế của Chợ Lách nằm trên các trục đường chính giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi với các huyện khác trong tỉnh cũng như một số tỉnh lân cận là điều kiện thuận lợi để kết nối những tuyến, điểm du lịch vệ tinh với dự án đầu tư Làng du lịch sinh thái Chợ Lách.

  1. Khí hậu

Chợ Lách có kiểu khí hậu cận xích đạo với hai mùa mưa, khô, nhiệt độ bình quân từ 26-27oC.

  1. Tên gọi và lịch sử vùng đất Chợ Lách

Chợ Lách hay còn gọi là Lách - Cần Thay, xưa là vùng đất hoang vu với nhiều loài cây lau, lách mọc um tùm, được cư dân người Việt đến khai khẩn sinh sống, dần dần số người định cư đông và trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Quận Chợ Lách được thành lập ngày 25 tháng 01 năm 1908 gồm 3 tổng: Bình Thanh, Bình Dương và Minh Ngãi, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Khi mới thành lập, quận Chợ Lách có 22 làng: Bình Chánh, Bình Sơn, Phú Đa, Phú Vinh, Phước Định, Tân Thạnh, Thới định (tổng Bình Xương), Hưng Bình, Hưng Hòa, Hưng Lễ, Hưng Long, Hưng Ngãi, Hưng Nhơn, Hưng Thành, Hưng Tín, Hưng Trị (tổng Minh Ngãi), An Hương, Hòa Mỹ, Nhơn Phú, Thanh Điền, Thanh Phước, Thanh Thủy. Về sau, một số làng trong quận được nhập lại, đến năm 1939 còn 11 làng: Mỹ An, Nhơn Phú, Phước Thủy (tổng Bình Thanh), Phú Bình, Phú Phụng, Sơn Định, Tân Thạnh (tổng Bình Xương), An Thới, Hưng Long, Hòa Nghĩa, Tân Thiềng (tổng Minh Ngãi).

Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre. Đầu năm 1946, Chợ Lách gồm 6 xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng. Cuối 1946, để tạo địa bàn thống nhất trên dãy Cù lao Minh, Ủy ban hành chính tỉnh Bến Tre quyết định nhập 6 xã huyện Chợ Lách với 11 xã phía Bắc huyện Mỏ Cày gồm Vĩnh Thành, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung, Tân Thanh Tây, Phước Mỹ Trung, Thạnh Ngãi, Thanh Tân, Tân Phú Tây và Thành An để thành lập huyện Chợ Lách mới.

Cuối năm 1951, huyện Chợ Lách được sáp nhập vào huyện Mỏ Cày, tên gọi huyện Chợ Lách không còn, mà được gọi là vùng B huyện Mỏ Cày.

Đầu năm 1955, để phù hợp với tình hình và điều kiện của cuộc đấu tranh mới, địa giới hành chính huyện Chợ Lách được xác định lại, gồm 9 xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Bình Hòa Phước, Đồng Phú và An Bình, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1957, huyện Chợ Lách có thêm các xã: An Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh, Bình Phước, Tân Long Hội, Chánh Hội và Mỹ An thuộc Măng Thít trước đây, cùng xã Tân Phong thuộc Cai Lậy - Mỹ Tho (Tiền Giang).

Từ đầu 1962 đến cuối năm 1964, địa giới hành chính huyện Chợ Lách được xác định giống như địa giới hành chính, chia gồm 9 xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Tân Phong, Bình Hòa Phước, Đồng Phú (xã An Bình được ngụy quyền sắp vào quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long).

Năm 1965, huyện Chợ Lách được giao về cho tỉnh Bến Tre, gồm 15 xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Tân Phong, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung và Phước Mỹ Trung. Tháng 12 năm 1967, Huyện ủy Chợ Lách bàn giao cho các xã: Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung và Phước Mỹ Trung cho Mỏ Cày; giao xã Tân Phong cho huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang).

Cuối tháng 2 năm 1968, Huyện ủy Chợ Lách bàn giao các xã: Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình cho Vĩnh Long. Huyện còn lại 6 xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng cho đến ngày giải phóng.

Tháng 12 năm 1976, thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính các huyện, thị trong tỉnh, huyện Chợ Lách còn 10 xã và 1 thị trấn: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và thị trấn Chợ Lách.

Thực hiện Nghị định số 8/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ, địa giới hành chính huyện Chợ Lách được phân định lại: xã Hưng Khánh Trung tách thành 2 xã Hưng Khánh Trung A (thuộc Mỏ Cày Bắc) và Hưng Khánh Trung B (thuộc Chợ Lách); xã Phú Sơn tách thành 2 xã: Phú Sơn (thuộc Chợ Lách) và Phú Mỹ (thuộc Mỏ Cày Bắc).

Với bề dày lịch sử lâu đời, vùng đất Chợ Lách đã tạo nên những giá trị văn hóa lịch sử và di tích gắn với các giai đoạn lịch sử, đây là tiền đề cho phát triển du lịch văn hóa và tâm linh trong Làng Đặc điểm địa thế của Chợ Lách nằm trên các trục đường chính giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi với các huyện khác trong tỉnh cũng như một số tỉnh lân cận là điều kiện thuận lợi để kết nối những tuyến, điểm du lịch vệ tinh với Làng du lịch sinh thái Chợ Lách. Những điểm di tích gắn với các thời kỳ như Nhà thờ Cái Mơn, Nhà thờ Quảng Ngãi, chùa Kim Long, Đền thờ Thánh Cao Văn Minh.

II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN HUYỆN CHỢ LÁCH

  1. Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên là 16.906ha, trong đó khu vực thành thị là 810ha, nông thôn là 16.096ha.

Đất nông nghiệp tổng số 11.514ha (cơ cấu: đất sản xuất nông nghiệp 90.6%, đất nuôi trồng thủy sản 3%, đất sản xuất nông nghiệp khác 6,4%), đất nông nghiệp thuộc khu vực nông thôn là 11.011ha.

Đất đai ở Chợ Lách là do phù sa của ba sông bồi đắp: sông Tiền, sông Hàm Luông và Cổ Chiên qua nhiều thế kỷ, rất thích hợp với các loại cây ăn trái và cây giống, hoa kiểng. Đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm là những yếu tố thiên nhiên rất thuận lợi giúp cho người dân Chợ Lách tạo ra một vùng cây ăn trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất Nam Bộ. Ngoài ra, nghề trồng hoa kiểng, cây giống cũng nhờ đó mà phát triển. Những tiềm năng cây trái, hoa kiểng đã tạo nên cho vùng đất Chợ Lách những sản phẩm du lịch đặc thù từ cây cảnh, hoa kiểng và những loại trái cây ngon trong vườn mà du khách có thể tham quan và trải nghiệm.

  1. Tài nguyên nước

Hệ thống kênh rạch ở Chợ Lách gồm 25 nhánh sông lớn nhỏ chạy ngang dọc, nước ngọt quanh năm. Bên cạnh kênh xáng Chợ Lách, có các sông: Thông Lưu (Phú Phụng - Vĩnh Bình), Cái Mít (Sơn Định), Lai Phụng, Hang Chuột (Hòa Nghĩa), Cái Nhum (Long Thới), Cái Mơn (Vĩnh Thành), Cái Tắc, Cái Hàng (Hưng Khánh Trung), rạch Sâu, rạch Chiếc (Vĩnh Hòa), Bảo Vàng (Phú Sơn), rạch Cái Tre (Tân Thiềng). Tất cả các sông rạch này nối liền nhau như những mạch máu đi khắp huyện, rất thuận lợi cho giao thông đường thủy cung cấp nước tưới cho nông nghiệp.

Huyện Chợ Lách quanh năm có nguồn nước ngọt dồi dào, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông. Bên cạnh đó, Chợ Lách có hệ thống kênh rạch chằng chịt thông với nhau và nối liền với các sông lớn, không chỉ thuận lợi cho giao thông thủy mà còn tạo nên nguồn tài nguyên nước dồi dào quanh năm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm thủy văn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch đường sông tại dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách.

III. TÀI NGUYÊN DU LỊCH HUYỆN CHỢ LÁCH  

3.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên huyện Chợ Lách

3.1.1. Tài nguyên du lịch sinh thái nông nghiệp

Chợ Lách nằm trên Cù lao Minh với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và thủy văn rất thích hợp cho việc sản xuất các hoạt động nông nghiệp, trong đó nổi bật là nghề cây giống với nhiều loại cây giống khác nhau (mít, xoài, ổi, mận, chôm chôm...). Chợ Lách được công nhận là nơi ươm mầm cây giống của cả nước. Ngoài ra, nghề trồng hoa kiểng (hoa giấy, hồng lộc, hoa hồng, trúc bách hợp, vạn niên tùng,…) rất đặc trưng, nhất là những khi tết đến, Chợ Lách rực rỡ trong nhiều sắc hoa khác nhau. Cây ăn trái của vùng đất Cái Mơn (sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi, nhãn, táo, đu đủ, chuối, cóc, ổi...) cũng nổi tiếng trong cả nước.

Việc sản xuất cây giống, ghép cành còn dưới dạng cá nhân, nhỏ lẻ, bắt đầu phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn, cung cấp một số cây giống mới như măng cụt, bòn bon, xoài, chôm chôm… cho các nhà vườn. Trong những năm đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, điều kiện giao thông thuận lợi, nhu cầu về trồng trọt, thưởng ngoạn phong cảnh, nhiều cơ sở sản xuất cây giống, hoa kiểng được mở ra, cung cấp nhiều loại cây giống có giá trị kinh tế cao, các loại hoa kiểng đẹp cho thị trường trong và ngoài nước. Dịch vụ du lịch sinh thái ngày càng tăng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch.

Các hoạt động nông nghiệp trên là thế mạnh quan trọng tạo nên cảnh quan sinh thái nông nghiệp và hình thành nên các đặc trưng sinh kế (nghề trồng cây, nghề tạo kiểng,…) để thu hút sự tham quan tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Trong đó có giống cây ăn trái Cái Mơn với thương hiệu nổi tiếng từ lâu đời.

3.1.2. Tài nguyên du lịch sinh thái sông nước

Hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên cùng nhiều nhánh sông nhỏ là nguồn tài nguyên du lịch sông nước cho huyện Chợ Lách. Đến thị trấn Chợ Lách, du khách được đi du thuyền trên sông Cổ Chiên ngắm khung cảnh sông nước hữu tình, hai bên là những vườn trái cây.

Ngoài ra nơi đây còn hiện diện nhiều cồn như cồn Phú Đa, cồn Phú Bình, cồn Cái Gà..., là nơi du khách có thể thưởng ngoạn bằng đường sông và thưởng thức những đặc sản địa phương tại đây.

3.1.3. Tài nguyên du lịch miệt vườn

Huyện Chợ Lách thu hoạch trái cây ước đạt 109.000 tấn, sản xuất 14 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại và 22 triệu cây giống. Tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị bưởi da xanh, chôm chôm và hoa kiểng của tỉnh và nâng chất chuỗi giá trị sản xuất cây giống của huyện. Nơi đây được biết đến như là “vương quốc trái cây, cây giống và hoa kiểng”. Tiềm năng về du lịch miệt vườn của huyện Chợ Lách là rất lớn, những vườn cây trĩu quả với phong phú chủng loại (sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, ..), những vườn hoa rực rỡ sắc màu và nhiều chủng loại, những vườn cây giống xanh ngắt với nhiều loại cây giống khác nhau, đây là những sản phẩm thu hút du khách từ nhiều nơi đến thưởng thức tham quan và trải nghiệm. Do vậy, tài nguyên du lịch miệt vườn của vùng đất Chợ Lách hết sức phong phú đa dạng thu hút sự tham gia của du khách.

3.2. Tài nguyên du lịch nhân văn huyện Chợ Lách

3.2.1. Du lịch gắn với làng nghề truyền thống sản xuất cây giống - hoa kiểng

Tính đến tháng 6/2018: “Huyện Chợ Lách phát triển được 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống - hoa kiểng với hàng ngàn hộ tham gia. Quy mô sản xuất của mỗi hộ là từ vài trăm đến vài chục ngàn sản phẩm một năm. Hàng năm, Chợ Lách cung cấp cho thị trường trên 17 triệu cây giống và 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Sản phẩm làm ra, một phần nông dân bán tại vườn, đa phần vận chuyển đi bán các nơi trong và ngoài tỉnh. Cái nôi của làng nghề là ở khu vực Cái Mơn, tại đây, quá trình hình thành các làng nghề diễn ra mạnh mẽ nhất, đặc biệt là xã Vĩnh Thành có 12/12 ấp của xã được công nhận làng nghề, mỗi năm cư dân địa phương cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu sản phẩm hoa kiểng”.

Làng nghề truyền thống từ cây giống, hoa kiểng sẽ tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng quê Chợ Lách, tiềm năng từ nông nghiệp của Làng sẽ là linh hồn của dự án đầu tư Làng du lịch sinh thái Chợ Lách.

3.2.2 Du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa

Tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử của huyện Chợ Lách có lịch sử hình thành lâu đời. Khi xóm làng mới được hình thành, cuộc sống được ổn định thì nhiều nơi trong huyện xuất hiện nhiều ngôi đình, miếu thờ những người có công khai phá đất đai. Bên cạnh đó, Chợ Lách là vùng đất “Tứ Long” và “Địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa, lịch sử như các công trình tôn giáo (nhà thờ, chùa, đền miếu…) có từ lâu đời, danh nhân văn hóa của dân tộc Trương Vĩnh Ký. Bên cạnh đó, Chợ Lách là địa phương hội tụ nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo…

Công giáo được truyền bá vào Việt Nam cũng như ở Chợ Lách rất sớm. Hầu hết các xã trong huyện đều có nhà thờ với số tín đồ rất đông. Nhưng lâu đời nhất và có số tín đồ đông nhất là 2 xã Vĩnh Thành và Long Thới. Họ Đạo Cái Nhum (Long Thới) là họ đạo lâu đời nhất, được thành lập năm 1731. Nhà thờ Cái Mơn được xây dựng năm 1872. Ngoài một nhà thờ lớn với số tín đồ đông đảo, ở đây còn có một tu viện của Dòng Kitô Vua (dòng nam) và một tu viện Dòng mến Thánh Giá (dòng nữ). Họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Thành) được thành lập tháng 02 năm 1872. Nơi đây, ngoài một nhà thờ lớn còn có một nhà nguyện của Tu viện Mến Thánh Giá, một trường học, một nhà dưỡng lão và một nhà trẻ mồ côi. Đồng bào theo Đạo Thiên Chúa chiếm hơn 60% dân số.

Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo xuất hiện ở Chợ Lách từ sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp năm 1945, số tín đồ ít hơn Phật giáo và Công giáo. Đạo Tin Lành xuất hiện ở Chợ Lách vào những năm 1925-1926, có rất ít tín đồ, sống tập trung ở thị trấn.

Đến với Chợ Lách, du khách còn có cơ hội tìm hiểu các giá trị văn hóa tâm linh tại các không gian Phật giáo như chùa Kim Long, Công giáo như Nhà thờ Cái Mơn, dòng Kitô Vua.

Chợ Lách còn là quê quán của nhiều danh nhân nổi bật Việt Nam, tiêu biểu là nhà bác học Trương Vĩnh Ký. “Hiện nay nơi quê hương của Trương Vĩnh Ký (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) có một trường THPT mang tên ông. Ngoài ra ông được xem là người có công với nghề trồng cây giống ở Cái Mơn. Các giống cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon đều do ông đem từ Pinang mỗi khi bãi trường về thăm nhà”.

Chợ Lách là nơi lưu giữ các không gian văn hóa ký ức và hiện sinh đặc sắc. Chính các giá trị tài nguyên du lịch vừa nêu là nền tảng “cốt lõi” để hình thành nên các sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương.

Nhìn chung, tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử huyện Chợ Lách tạo nên giá trị văn hóa tinh hoa cho người dân Chợ Lách nói riêng và cả nước nói chung. Tiềm năng này sẽ được bảo tồn và phát triển khi khai thác các hoạt động du lịch kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch nông nghiệp.

3.2.3. Du lịch homestay

Do lợi thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, du lịch ở huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh Bến Tre đã ít nhiều phát triển. Đến huyện Chợ Lách, du khách cũng có thể tham gia loại hình du lịch homestay, tìm hiểu về những nét văn hóa địa phương xứ sở cây trái và hoa kiểng.

Hiện tại, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 30 cơ sở lưu trú, trong đó có 06 điểm du lịch homestay (Năm Hiền, Hoa Vương, Nguyễn Gia, Mekong Hòa Nghĩa, Việt Hải, Du lịch Cái Gà), 17 cơ sở phục vụ ăn uống du lịch. Ngoài các điểm du lịch đã được hình thành trước đây như: Việt Hải, Năm Công, Ba Ngói, Tám Lộc, Ba Phúc, vườn xoài Thanh Sơn… thì một số điểm mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây như Đại Lộc, Bảy Thảo, Năm Vũ, Năm Hiền… với các loại hình tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn, du lịch Homestay, thưởng thức mật ong, du lịch trên sông, trải nghiệm khám phá cồn Phú Đa, thưởng thức các món ăn đặc sản của Chợ Lách như bánh xèo hến, ốc gạo Phú Đa, lẩu bần… đều thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nhìn chung, thực trạng về tài nguyên du lịch của Chợ Lách rất phong phú và đa dạng, từ du lịch miệt vườn đến du lịch sông nước, du lịch văn hóa, tâm linh. Nét riêng khi đến với du lịch Chợ Lách so với những điểm đến khác khu vực Tây Nam Bộ là du khách được sống trong không gian của vùng đất với lịch sử trồng hoa kiểng và cây giống lâu đời… Đến đây, du khách hiểu thêm về văn hóa, đời sống người dân, lịch sử vùng đất Chợ Lách. Tuy nhiên, hiện tại các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện còn mang tính tự phát, người dân tự đầu tư các dịch vụ homestay, tự liên kết nhau để tổ chức những tour du lịch cho du khách.

IV. NGUỒN NHÂN LỰC

Dân số, dân tộc

Huyện Chợ Lách có 11 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 10 xã) được chia thành 82 ấp của 10 xã và 4 ấp, 4 khu phố của thị trấn. Dân số năm 2018 của toàn huyện là 147.279 người, trong đó khu vực thành thị chiếm 7,17% dân số toàn huyện, khu vực nông thôn là 92,83%. Thành phần dân tộc đa số là người Kinh.

Người dân Chợ Lách có nguồn gốc là những nông dân lao động, muốn tránh khỏi cảnh áp bức bóc lột, bất công nên đi tìm vùng đất mới làm ăn sinh sống. Lúc đầu, họ ở ven các sông để tiện việc làm ăn sinh sống và đi lại; về sau, do dân cư ngày càng đông đúc, vùng ven sông trở nên chật hẹp, nhiều người đã tiến sâu vào các vùng hoang vu, đầm lầy, trong đó có Chợ Lách ngày nay để khai phá, định cư. Với truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù từ ngàn xưa, các thế hệ đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt, kể cả máu xương để xây dựng quê hương Chợ Lách tươi đẹp như ngày nay.

Cơ cấu lao động

Tổng số người trong độ tuổi lao động của huyện Chợ Lách là 95.731 người (65,36% dân số), trong đó, dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 80% trong tổng số lao động của địa phương.

Về lượng khách du lịch

Năm 2015, toàn huyện thu hút trên 37 ngàn lượt khách đến tham quan, con số này tăng đều theo các năm: năm 2016 đạt trên 42 ngàn lượt, năm 2017 đạt trên 49 ngàn lượt, năm 2018 ước tính đạt trên 60 ngàn lượt. Lượng du khách đến chủ yếu vào ngày lễ hội trái cây ngon của tỉnh được tổ chức ở huyện. Tuy nhiên, lượng khách tăng lên mỗi năm hứa hẹn sự phát triển vượt bậc cho ngành du lịch tại huyện Chợ Lách nói chung và Làng du lịch sinh thái Chợ Lách nói riêng.

V. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN CỦA ĐỊA PHƯƠNG

1. Cơ cấu kinh tế và tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tại địa phương

1.1. Trồng trọt

Tính đến nay, huyện đã thực hiện có kết quả các kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cùng với đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; từng bước hình thành vùng trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản và vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng tập trung; giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm trên 2,5%/năm, sản lượng trái cây các loại hàng năm từ 110.000 tấn đến 120.000 tấn, trên 17 triệu cây giống và 10 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Năm 2015 đạt giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân trên 200 triệu/ha/năm.

Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện chuyển đổi sang hoàn toàn trồng cây ăn trái và cây giống, hoa kiểng. Trong 2 năm qua, huyện đã chuyển đổi được hơn 580ha vườn tạp sang sản xuất cây giống, hoa kiểng và trồng cây ăn trái lâu năm như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh. Bên cạnh đó, huyện tăng cường đầu tư cho phát triển nông nghiệp VietGAP, tạo ra nông sản sạch, đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng. Đến nay, huyện có gần 340ha diện tích cây ăn trái canh tác theo tiêu chuẩn GAP, tập trung ở 4 loại cây chủ lực như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh và măng cụt. Ngoài ra, các xã – thị trấn trên địa bàn huyện đều xây dựng được các mô hình nâng cao năng suất cây trồng đối với các loại cây ăn trái chủ lực, nâng năng suất bình quân trái cây đạt hơn 14,3 tấn/ha/năm. Đến nay, huyện Chợ Lách đã xây dựng và đăng ký thành công thương hiệu cây giống hoa kiểng Cái Mơn, chỉ dẫn địa lý trái sầu riêng Cái Mơn, nhãn hiệu tập thể trái chôm chôm, măng cụt Chợ Lách.

1.2. Chăn nuôi

Huyện Chợ Lách luôn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp điều kiện cụ thể, chủ yếu chăn nuôi quy mô kinh tế hộ và những năm gần đây phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Tuy quy mô còn nhỏ nhưng ngành chăn nuôi từng bước góp phần chuyển dịch tỷ trọng trong ngành nông nghiệp, năm 2015 có tỷ trọng 4,83% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

1.3. Thủy sản

Trong những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản liên tục tăng khá. Đến năm 2015, toàn huyện có 284ha sử dụng nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi chuyên canh 255ha, nuôi xen quảng canh 29ha, hầu hết nuôi cá da trơn xuất khẩu. Sản lượng nuôi trồng năm 2015 ước đạt 57.450 tấn, giá trị sản xuất bình quân trong 5 năm tăng 19,93%/năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành nông nghiệp, năm 2010 là 22,17% và năm 2015 là 36,42%.

1.4. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế huyện Chợ Lách tăng trưởng khá và liên tục, giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng kinh tế bình quân 11,9%/năm, giai đoạn 2011-2015 bình quân 13%/năm, quy mô kinh tế (giá so sánh) năm 2015 so 2010 tăng gấp 1,84 lần, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tiến bộ hơn, khu vực nông nghiệp vẫn tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng giảm dần, khu vực công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ tăng đáng kể. Năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 16,78%.

Số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng những năm gần đây tăng chậm, quy mô nhỏ, chủ yếu tăng khu vực kinh tế cá thể. Sản phẩm sản xuất chính như cưa xẻ chế biến đồ dùng bằng gỗ, sản xuất cung cấp nước, may mặc, sản xuất đồ dùng bằng sắt, bê tông, sản xuất bánh, bún... và hoạt động xây dựng. Đến cuối năm 2015, toàn huyện có 844 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng với hơn 2.554 lao động tham gia. Vốn kinh doanh trên 191 tỷ đồng (trong đó hoạt động loại hình doanh nghiệp 27 cơ sở, lao động 642 người, vốn đăng ký trên 131 tỷ đồng).

1.5. Thương mại, dịch vụ, du lịch, lễ hội

Vào ngày 29 tháng 11 năm 2012, Đề án “Phát triển du lịch huyện Chợ Lách giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách thông qua. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đầu tư phát triển và kích thích sự tham gia của du khách đến với Chợ Lách. Lượng du khách đến Chợ Lách có xu hướng gia tăng nhưng nhìn chung còn khiêm tốn, từ năm 2012 đến năm 2018, toàn huyện đón trên 60 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan; trong đó khách quốc tế khoảng 40 ngàn lượt, khách nội địa trên 160 ngàn lượt; lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 15%. Tổng doanh thu đạt trên 150 tỷ đồng; tăng bình quân hàng năm gần 26%.

Chợ Lách cũng là địa bàn đăng cai tổ chức sự kiện tôn vinh và giới thiệu các mặt hàng trái cây của Bến Tre. Với nhiều loại cây trái phong phú cùng nhiều sản vật độc lạ, Lễ hội trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre hàng năm được tổ chức tại Chợ Lách đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến chiêm ngưỡng và thưởng thức. Hằng năm, lễ hội này được tổ chức vào dịp 5/5 âm lịch. Đây cũng là một trong những sự kiện tiêu biểu có sức lan tỏa cao và góp phần gia tăng tính hấp dẫn du khách cho Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung.

Bên cạnh các kết quả tích cực gắn với việc phát triển du lịch của địa phương, du lịch Chợ Lách còn gặp phải một số vấn đề cần được đầu tư, nâng cấp và cải thiện trong tương lai như: truyền thông và quảng bá phát triển du lịch chưa được đẩy mạnh; kết nối các điểm đến để xây dựng các chương trình du lịch ấn tượng và hấp dẫn chưa được quan tâm triển khai đúng mức; một số địa bàn cần đầu tư cải tạo về nền tảng giao thông; thiếu hẳn các trung tâm mua sắm giới thiệu đặc sản địa phương; năng lực của nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế;…

2. Kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương

- Tính đến tháng 9/2018, huyện Chợ Lách có 03/10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (Sơn Định, Vĩnh Bình và Phú Sơn), các xã còn lại có kết quả đạt tiêu chí như sau: xã Long Thới và Tân Thiềng đạt 17 tiêu chí, xã Vĩnh Thành đạt 16 tiêu chí, xã Phú Phụng đạt 15 tiêu chí, xã Vĩnh Hòa, Hòa Nghĩa và Hưng Khánh Trung B đạt 12 tiêu chí. Trung bình đạt tiêu chí/xã là 15,5 tiêu chí.

- Căn cứ Thông tư 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện tự đánh giá cơ bản đạt 03/09 tiêu chí huyện nông thôn mới gồm tiêu chí 4 - Điện, tiêu chí số 8 - An ninh trật tự xã hội và tiêu chí số 9 - Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại chưa đạt, cần sự hỗ trợ chuyên môn và nguồn lực đầu tư từ cấp trên.

Đề án Làng du lịch huyện nông thôn mới thực hiện tại 4 xã: Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn và Vĩnh Hòa. Nhìn chung, kết quả xây dựng nông thôn mới tại Làng du lịch sinh thái Chợ Lách hiện tại đã có xã Phú Sơn là 03/10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện. Ngoài ra, hai xã là Long Thới và Vĩnh Thành đạt 16-17 tiêu chí, xã Vĩnh Hòa đạt 12 tiêu chí.

VI. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN CHỢ LÁCH

1. Điều kiện của huyện Chợ Lách trong phát triển du lịch

1.1. Điều kiện tự nhiên huyện Chợ Lách

Trong 9 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre, Chợ Lách được xem là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi bởi vị trí địa lý đặc biệt khi nằm giữa 2 sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông cùng hệ thống sông rạch dày đặc, nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, nhiều cồn bãi. Đó chính là điều kiện lý tưởng để Chợ Lách phát triển kinh tế vườn, đồng thời cũng là tiềm năng để huyện khai thác, phát triển du lịch.

Huyện Chợ Lách có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt tự nhiên: địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thủy văn, hình thành nên hệ cảnh quan sinh thái nông nghiệp (cây kiểng, cây ăn trái) có giá trị tiêu biểu so với toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lợi thế quan trọng nổi bật để hình thành nên các dịch vụ, sản phẩm và hoạt động du lịch đặc thù gắn với các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng.

Chợ Lách còn có các cồn đặc trưng cho địa thế miệt vườn – sông nước như cồn Phú Bình, cồn Phú Đa (Vĩnh Bình), cồn Cái Gà, cồn Lát, cồn Bùn, cồn Kiến (Long Thới). Chợ Lách còn có một lợi thế đáng kể nữa là nằm ngay trên trục giao thông thủy quan trọng từ miền Tây đến miền Đông, trong đó có TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước. Ngoài ra, huyện Chợ Lách ở giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên nên không chỉ thuận lợi để phát triển du lịch đường bộ mà còn cả đường sông.

1.2. Nguồn nhân lực

Chợ Lách có nguồn nhân lực với nhiều kinh nghiệm tham gia vào việc tổ chức sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, đang dần làm quen với mô hình phát triển kết hợp nông nghiệp và du lịch. Đây là cách thức kích thích sự sáng tạo và nâng cao giá trị sức lao động để góp phần tạo “giá trị kép” gia tăng lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương. Huyện có nguồn nhân lực có năng lực đặc biệt về ngành nghề cây kiểng và cây ăn trái, và các nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, đội ngũ cần thiết để phục vụ du lịch trong tương lai cần phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Nói về nguồn lực của địa phương, người nông dân miệt vườn Chợ Lách nhiệt tình, hiền hòa, yêu lao động và mến khách. Người dân địa phương rất muốn phát triển du lịch tại nơi đây, phát triển du lịch cũng là cơ hội để họ có thể giới thiệu các sản phẩm hoa kiểng, cây ăn trái, cây giống và các giá trị văn hóa địa phương cho du khách.

1.3. Nghề truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa bản địa, thời tiết khí hậu, sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước

Chợ Lách từ lâu được biết đến với mỹ danh “Cái Mơn - vương quốc hoa kiểng”, “vùng đất cây lành trái ngọt” hay “vùng sản xuất cây giống lớn nhất nước”. Là vùng đặc sản với nhiều loại trái cây nức tiếng cả nước như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh, bòn bon…, huyện hiện có 31 làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa kiểng quy mô lớn, đã công nhận 25 vườn trái cây xanh - sạch - đẹp, luôn sẵn sàng đón du khách đến tham quan.

Nghề trồng kiểng, trồng cây ăn trái và tạo giống cây tại Chợ Lách đã hình thành lâu đời và có thương hiệu uy tín trên thị trường. Đây là “lõi giá trị văn hóa nghề nghiệp” đặc sắc góp phần gia tăng cảm xúc và có khả năng kích thích du khách đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu các giá trị nhân văn tại Chợ Lách.

Làng nghề hoa giấy được hình thành và phát triển tập trung tại xã Phú Sơn và lan rộng đến các xã lân cận như Vĩnh Hòa, Phú Mỹ, Vĩnh Thành, Long Thới và Hưng Khánh Trung B, giúp cho người dân tăng thu nhập. Làng nghề hoa giấy Phú Sơn được hình thành từ tổ hợp tác sản xuất với số lượng tổ viên ban đầu 41 hộ, sản lượng 500.000 sản phẩm hàng năm, diện tích khoảng 60ha tập trung chủ yếu tại ấp Lân Đông, xã Phú Sơn. Tổ hợp tác hoa giấy đã được hỗ trợ về kết cấu hạ tầng đảm bảo trong việc vận chuyển, mua bán hàng hóa và được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ kinh phí về vật tư, các hạng mục, các điểm trình diễn để tiến tới gắn với du lịch sinh thái, tạo điểm đột phá về thế mạnh địa phương.

Ngoài thế mạnh về hoa giấy, địa phương còn có thế mạnh trong sản xuất hoa vào dịp tết Nguyên đán để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh những mặt hàng chủ yếu như hoa mai, kiểng bonsai, cúc, vạn thọ, hoa treo, mồng gà…; trên 700.000 sản phẩm/năm giúp đời sống kinh tế của người dân phát triển và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được đáp ứng kịp thời; hằng năm, hầu hết các hộ làng nghề đều được tham gia phổ biến kiến thức về khoa học - kỹ thuật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Xã có nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, hầu hết nông dân trên địa bàn xã có trình độ sản xuất khá cao, chú trọng việc bảo vệ môi trường và hạn chế suy thoái đất, liên kết trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khá chặt chẽ, nhận thức về sản xuất trong thời kỳ hội nhập cũng tăng lên rõ rệt.

1.4. Giá trị văn hóa - lịch sử

Chợ Lách là địa phương có sự phong phú về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo xưa. Có thể kể đến như chùa Kim Long (xã Vĩnh Thành), nhà thờ cổ Cái Mơn (xây dựng từ năm 1872), nhà thờ Cái Nhum (xây dựng từ năm 1951) theo lối kiến trúc Roman. Chợ Lách còn là quê hương của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, vị học giả biết trên 20 ngôn ngữ, có trên 118 tác phẩm được xuất bản, được thế giới biết đến.

Bên cạnh đó, các giá trị lịch sử - văn hóa gắn liền với các thiết chế văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, tín ngưỡng dân gian) tại Chợ Lách là nền tảng quan trọng để đóng góp vào ngân hàng nội dung “thuyết minh du lịch”, xây dựng các câu chuyện “cảm nhận văn hóa” để kích thích sự tham dự và tìm hiểu cho du khách.

Ngoài ra, Chợ Lách là một huyện của tỉnh Bến Tre vốn giàu truyền thống về lịch sử với phong trào Đồng Khởi, các danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, nữ tướng Nguyễn Thị Định… rất có tiềm năng gắn kết các giá trị trong vùng và liên vùng vào các sản phẩm du lịch địa phương với điểm nhấn là Làng du lịch sinh thái Chợ Lách.

Từ những lợi thế đó, huyện đã phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch trải nghiệm cuộc sống. Huyện đã xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách như tham quan các vườn cây trái theo mùa, thưởng thức các loại trái cây tại vườn, thưởng thức ẩm thực, tham quan vườn kiểng thú, vườn cây giống, hoa kiểng, trải nghiệm cách ghép cây của nông dân địa phương, tham quan các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, tìm hiểu về danh nhân địa phương…

  1. Hạn chế trong phát triển du lịch huyện Chợ Lách

Chưa xác định và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Chưa có kế hoạch liên kết và cơ chế liên kết liên ngành du lịch và nông nghiệp.

Chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết cho Làng du lịch sinh thái Chợ Lách.

Chưa tổ chức và khai thác tốt các dịch vụ gắn liền với du lịch.

Các hoạt động du lịch hiện tại còn mang tính chất tự phát, người dân có tiền tự đầu tư không theo khuôn mẫu nào.

Kỹ năng và kiến thức của đội ngũ nhân lực tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động phục vụ cho du khách còn hạn chế.

Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, hiệu quả do sự phối hợp chưa đồng bộ ở các cấp, ngành và doanh nghiệp, kinh phí còn hạn hẹp để tổ chức những sự kiện quảng cáo mang tính chuyên nghiệp cả trong và ngoài nước; công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch chưa được quan tâm làm tốt.

Việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách trong đầu tư phát triển du lịch còn gặp nhiều lúng túng.

Phần III NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG LÀNG DU LỊCH SINH THÁI

  1. Quan điểm

Dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách được xây dựng dựa trên 07 quan điểm sau:

Một là, dự án đầu tư làng du lịch sinh thái xây dựng trên quan điểm liên kết tương hỗ trong du lịch và nông nghiệp đẩy mạnh phát triển nông thôn, đưa những giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn ra bên ngoài qua kênh quảng bá từ du khách, từ đó tăng giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy phát triển chương trình nông thôn mới và sản phẩm OCOP của địa phương.

Hai là, dự án đầu tư làng du lịch sinh thái xây dựng và phát triển theo hướng bền vững hướng đến các giá trị xanh: tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh (phát triển du lịch không làm tổn hại đến môi trường, tạo “lá phổi” xanh cho địa phương).

Ba là, Dự án đầu tư làng du lịch sinh thái còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương. Ngoài việc lưu giữ những giá trị truyền thống cùng với bản sắc văn hóa, việc phát triển du lịch dựa trên Làng du lịch sinh thái còn thể hiện một số khía cạnh khác như quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương, phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy làng nghề cây kiểng hoa giấy.

Bốn là, dự án đầu tư làng du lịch sinh thái được xây dựng trên quan điểm phát triển hài hòa giữa nội sinh và ngoại sinh. Theo tinh thần của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, du lịch cũng là sản phẩm của OCOP, du lịch cần thiết phải mang dấu ấn địa phương, vùng miền, gắn với chủ thể cụ thể. Do vậy, những nhân tố bên trong, thuộc về nội tại của địa phương bao gồm cảnh quan thiên nhiên và nhận thức của cộng đồng. Những nhân tố bên ngoài, cần thiết quản lý chặt chẽ bao gồm hoạt động du lịch và hài lòng của du khách. Việc xếp ma trận giữa những yếu tố này hình thành bốn nhóm chiến lược: chiến lược xây dựng và phát triển cảnh quan, chiến lược thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, chiến lược quản trị cảnh quan du lịch, chiến lược duy trì sự thân thiện và hiếu khách.

Nhân tố bên trong (Cảnh quan và sự tham gia của cộng đồng)

 

 

 

Nhân tố bên ngoài

(Khách du lịch)

Cảnh quan và sản phẩm du lịch đặc trưng của Làng

- Cảnh quan Làng DU LỊCH SINH THÁI gắn với cây giống, hoa kiểng và cây ăn trái.

-Tính tự nhiên, hài hòa của miền sông nước.

- Phong cảnh nông thôn.

- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

 

Sự tham gia của cộng đồng

- Phối hợp các thành viên tham gia hoạt động du lịch.

- Tập quán truyền thống. Lòng hiếu khách.

- Chia sẻ và lan truyền nghề truyền thống.

- Sẵn sàng tham gia xây dựng Làng du lịch sinh thái Chợ Lách.

Hoạt động du lịch:

- Tham quan - Giải trí.

  • Trải nghiệm
  • Mua sắm.

Chiến lược xây dựng và phát triển cảnh quan, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Chiến lược thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.

Hài lòng của du khách:

  • Ẩm thực.
  • Chất lượng dịch vụ.
  • Chi phí.

Chiến lược quản trị cảnh quan du lịch và tổ chức các hoạt động du lịch.

Chiến lược duy trì sự thân thiện và hiếu khách.

Nguồn: Cawley & Gillmor, 2008 và chỉnh sửa của nhóm tác giả

Sự phát triển hài hòa giữa nội sinh và ngoại sinh còn thể hiện qua quan hệ cộng sinh giữa các chủ thể trong hoạt động du lịch cụ thể qua sự tham gia của Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà Khoa học và Cộng đồng. Mối quan hệ cộng sinh của bốn tác nhân quan trọng này tham gia vào xây dựng dự án đầu tư làng du lịch sinh thái Chợ Lách nhằm đảm bảo cho sự hài lòng của du khách, sự gia tăng các giá trị kinh tế và duy trì hạnh phúc của dân bản địa. Làng du lịch sinh thái là nơi cung cấp sự thỏa mãn cho du khách và cải thiện mức sống của cộng đồng địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững với các đặc điểm: (1) các lợi ích được cộng đồng địa phương thụ hưởng; (2) phát triển kinh tế địa phương; (3) cơ sở hạ tầng đầy đủ và đáp ứng nhu cầu du khách; (4) bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương; (5) phát triển các sản phẩm du lịch địa phương; (6) khả năng tiếp cận tốt bằng các phương tiện giao thông; (7) Đảm bảo môi trường trong lành, tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn an ninh.

Năm là, dự án đầu tư làng du lịch sinh thái được xây dựng theo hình thức hài hòa giữa cấu trúc cuộc sống cộng đồng với việc bố trí chỗ ở và các điểm homestay, điểm tham quan, dịch vụ du lịch, hướng tới mục tiêu tạo các trải nghiệm ấn tượng cho du khách, hài hòa với thiên nhiên, mà không làm xáo trộn đời sống của người dân địa phương. Quan điểm hài hòa này phải đảm bảo cả về mặt cảnh quan hài hòa trong môi trường du lịch nông thôn, đặc trưng của vùng cây giống, hoa kiểng và miền quê sông nước.

Sáu là, dự án đầu tư làng du lịch sinh thái được xây dựng theo hình thức hài hòa giữa lợi ích tham gia hoạt động du lịch và kinh doanh hoa kiểng nhằm đảm bảo việc sản xuất hoa kiểng truyền thống của hộ dân góp phần trong đa dạng hoá các hoạt động du lịch.

Bảy là, Làng du lịch sinh thái phát triển trên hình thức quản lý là du lịch cộng đồng trên nền tảng du lịch nông thôn, như là sản phẩm của chương trình OCOP gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

  1. Mục tiêu xây dựng dự án đầu tư làng du lịch sinh thái

2.1. Mục tiêu chung

Xây dựng dự án đầu tư làng du lịch sinh thái là một sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thể hiện đây sẽ là biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng làng du lịch sinh thái Chợ Lách đáp ứng được bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm du lịch trong bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

- Định hướng xây dựng dự án đầu tư làng du lịch sinh thái trở thành một trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững ngành du lịch của tỉnh Bến Tre.

- Phát triển làng nghề thủ công truyền thống, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách trong nước và quốc tế nhằm bảo tồn nét văn hoá đặc sắc dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương;

- Phát triển Làng du lịch sinh thái hướng tới góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, hướng tới mục tiêu mang lại giá trị sống tốt đẹp cho cộng đồng dân cư tại huyện Chợ Lách.

- Lập quy hoạch tổng thể, các phương án tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan; quy hoạch các phân khu chức năng: hệ thống nhà nghỉ, nhà lưu trú đạt chuẩn; củng cố tôn tạo các công trình văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử, các điểm dừng chân, vui chơi, trải nghiệm;

- Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng: từng bước xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ hoàn chỉnh, được trải nhựa, bê tông hóa, trải cấp phối hoặc lát gạch, đảm bảo các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện cho du khách; xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước hoàn chỉnh, công trình điện sinh hoạt, công cộng, hệ thống không gian cây xanh, cảnh quan môi trường sống, các điểm dừng, trông xe thuận lợi, công trình vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh công cộng đạt chuẩn, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải;

- Xây dựng bộ thuyết minh du lịch cho các sản phẩm du lịch tại Làng du lịch sinh thái;

- Kết nối và quảng bá các điểm, tuyến du lịch trong làng; xây dựng các tuyến, điểm du lịch vệ tinh gắn kết với phát triển du lịch Làng;

- Đề xuất cơ chế quản lý Làng du lịch sinh thái Chợ Lách trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích của các bên tham gia và đảm bảo phát triển bền vững Làng du lịch sinh thái;

- Đào tạo và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương là chủ thể sản xuất các mặt hàng chủ lực có khả năng tham gia vào việc khai thác và phát triển du lịch tại địa phương;

- Đề xuất giải pháp xử lý môi trường trong phát triển Làng du lịch sinh thái Chợ Lách;

- Đề xuất giải pháp phát triển bền vững đối với Làng du lịch sinh thái Chợ Lách;

- Gắn kết nghiên cứu khoa học công nghệ với phát triển Làng du lịch sinh thái Chợ Lách;

- Gắn kết hoạt động khởi nghiệp trong doanh nghiệp với phát triển Làng.

 

Xem thêm Báo cáo khả thi dự án xây dựng khu chung cư

 

 

GỌI NGAY 0907957895
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ & THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG 
Địa chỉ: 28 B Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM 
Hotline:  028 3514 6426 - 0903 649 782 
Email:  nguyenthanhmp156@gmail.com ,
Website: www.minhphuongcorp.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
UA-179584089-1